RSS

ĐỐI THOẠI VỚI GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAO-LỒ II

08 Th6

ĐỐI THOẠI VỚI

GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAO-LỒ II

(Phần III)

Nhân đọc cuốn  “BƯỚC QUA NGƯỠNG CỬA HY VỌNG”  

Với các bài viết của: 

 

Phạm Trọng Chánh * Minh Chi * Nguyễn Tử Đóa * Phan Quốc Đông * Phan Tấn Hùng * Nguyễn Kết * Trần Văn Kha * Lê Hiếu Liêm * Vũ Trọng Minh * Trần Chung Ngọc * Hoàng Nguyên Nhuận * Đặng Nguyên Phả * Vũ Huy Quang * Nguyễn Phúc Bửu Tập * Hoàng Hà Thanh * Nguyễn Văn Thọ * Nguyễn Hoài Vân * Lý Khôi Việt

 
     
  – Xuất bản: Tạp chí Giao Điểm, California Hoa Kỳ

– Biên tập: Phan Mạnh Lương và Đỗ Hữu Tài

– Bìa: Khánh Trường

– Xuất bản lần thứ nhất 3000 cuốn, tháng 6-1995

– Lần thứ hai 2000 cuốn, tháng 8-1995

– Lần thứ ba 2000 cuốn, tháng 1-2000

– Sửa bản vi tính lần 4, tháng 2-2005: Nguyên Định

 

 

 


TỪ TRONG NHÀ, RA NGOÀI CHỢ

Phan Tấn Hùng

 

I. MỘT GIA ĐÌNH TAN NÁT

Từ thế hệ của ông nội của ông nội tôi, họ tôi chia thành ba nhánh :

–         Người anh cả của ông tôi theo đạo tiên, chuyên tu luyện bùa phép. Nhánh này không còn người thừa kế.

–         Người anh thứ hai, bỏ hẳn đạo nhà để theo Thánh giáo (Catô giáo). Nhánh còn lại khá đông.

–         Ông tôi là em út, tiếp tục giữ đạo gia tiên, và ba tôi là người thừa kế chịu trách nhiệm gìn giữ từ đường kể từ khi ông nội tôi già yếu.

Hằng năm ba tôi ra thư thông báo mời tất cả các chi nhánh khác về tham dự lễ giỗ ông bà tại nhà thờ họ. Ba tôi đích thân đi mời các trưởng chi. Anh tôi và tôi, từ khi còn niên thiếu đã phụ ba tôi chia nhau đi mời các gia đình Catô giáo. Mỗi năm mỗi mời, nhưng không thấy ai về cả. Tuy không dám nói ra nhưng bực mình lắm và tôi đã thầm trách rằng: “Theo đạo nào thì theo nhưng cũng phải biết quý trọng ông bà mình chứ. Tôn giáo nào lại dạy bỏ ông bỏ bà bao giờ. Nếu có thứ tôn giáo như vậy thì chắc chắn đây không phải là tôn giáo tốt, không nên gần gũi với nó, v.v…“.

Mãi đến mấy năm cuối thập niên 60 mới thấy có một vị lão trượng của nhánh này về, nhưng chỉ để chào hỏi chứ không vào đảnh lễ trước bàn thờ tổ tiên. Lúc đầu chỉ một vị, năm sau có thêm vài vị nữa. Tôi cảm thấy có phần được khích lệ và vui thầm với kết quả khiêm tốn đó. Nhưng lại bị thất vọng ngay khi được nghe một lão trượng nói rằng : “Thật ra chúng tôi đâu có quên ông bà, đâu có muốn từ bỏ bà con, nhưng chúng tôi không được phép thờ cúng ông bà tổ tiên. Mấy năm gần đây, từ sau Công Đồng Vatican II, sự cấm đoán có phần nhẹ bớt, nên chúng tôi về với bà con”.

Tại sao những người bà con của tôi chấp nhận nổi những cấm đoán như vậy? Và bằng cách nào Giáo Quyền Catô giáo đã làm được điều này, nếu không phải là đã mê hoặc hay ngu muội bà con tôi? Lòng tín ngưỡng của bà con tôi nhiệt thành đến độ mà tôi không thể hiểu nổi. Chẳng hạn như, làm sao họ có thể tin được chuyện Đức Maria đã di cư vào Nam hồi năm 1954. Và làm sao Giáo Quyền Catô giáo có thể dám nghĩ và dám bịa ra được loại tin như vậy nhỉ? (Chính thống giáo – Orthodoxe – và Phản Thệ giáo – Protestant – không tin tính đồng trinh mãi của Maria vì họ tin rằng Maria có những người con khác với Joseph).

Tại sao những người bà con của tôi phải đợi đến năm 1974, sau quyết  định chính thức của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho phép người Catô hữu lập bàn thờ tổ tiên và lễ lạy ông bà, trong khi người Catô giáo Trung Hoa đã luôn luôn giữ việc thờ cúng tổ tiên và đã được phép làm việc đó từ năm 1938, mới dám biểu lộ tín ngưỡng của mình đối với ông bà tổ tiên? Tại sao người ta nhân danh một tôn giáo, nhân danh một tín ngưỡng, để cấm cản tín ngưỡng của người Việt đối với ông bà tổ tiên? Tự do tín ngưỡng là chỗ nào?

 

Biết bao nhiêu câu hỏi tại sao đã nói đến với tôi từ thời niên thiếu, và vì thế tôi đã sớm bắt đầu tìm hiểu về Catô giáo, trước nhất là để hiểu những người bà con của tôi, với ước mong sẽ có ngày đưa họ trở về với giòng họ và với dân tộc. Thật vậy, nếu không có gì can hệ đến giòng họ và với dân tộc thì chắc chắn tôi đã không bỏ mất thì giờ tìm hiểu Catô giáo làm gì. Từ đó tôi tìm hiểu thêm các tôn giáo khác bằng cách so sánh, mỗi ngày thêm một chút. Việc nghiên cứu trở nên thật sự bổ ích cho chính bản thân tôi, và chỉ tiếc rằng phải chi những người bà con tôi được giáo dục để có được một trình độ suy nghĩ tối thiểu thì giòng họ tôi, và dân tộc tôi nữa, đã không bị phân chia.

 

Chiêu sách “chia để trị” nào có mới mẻ gì. Mọi thế lực ngoại bang, và mọi chính quyền phục vụ cho các thế lực ngoại bang đều làm như vậy. Người ta dựng nên trong nội bộ mọi dân tộc đủ loại “Bức Tường” : bức tường tôn giáo, bức tường giai cấp, bức tường sắc tộc, bức tường địa phương… Người Ái Nhĩ Lan giết hại nhau vì một bên Catô giáo và một bên theo Phản Thệ giáo (Protestant) ; ở Ru-ăng-đa, hai sắc dân Tutsi và Utu vốn cùng một văn hóa, cùng một tiếng nói, nay đã trở thành kẻ thù không đội trời chung; ở Ca-mơ-run, ai không có “Giấy chứng nhận đã rửa tội” (carte baptême) phải đóng một số tiền mới được cảnh binh cho phép vào thành phố. Tưởng Giới Thạch đã phải cải đạo theo Phản Thệ giáo để được làm rễ trong gia đình họ Tống; và chính quyền Tưởng, được mệnh danh là “chính quyền quốc gia”, đã ban hành sắc lịnh năm 1937 cấm nghiên cứu Dịch lý, cấm thực hành môn châm cứu và môn phong thủy, vốn là di sản truyền thống của văn minh Trung Hoa. Rồi nhìn lại những gì đã xảy ra ở Việt Nam, dưới một bên là “chính quyền quốc gia” chống cộng (lý lẽ hiện hữu của chính quyền này) và một bên là “chính quyền cộng sản” chống “đế quốc tư bản chủ nghĩa” dân tộc Việt Nam bị kéo về hai phía, giết nhau tận tình. Để làm gì? Để xây dựng cái gì cho dân tộc Việt Nam? Câu hỏi này được đặt ra cho cả hai bên, nhưng có lẽ câu trả lời chỉ tìm thấy ở nơi khác.

 

II. QUANH VẤN ĐỀ TÔN GIÁO

Có nhiều điều làm tôi ngưỡng mộ Giêsu. Hằng mấy trăm năm trước khi Giêsu ra đời, người Do Thái chờ đợi một “Đấng được ban xuống” để giải cứu dân tộc này. Họ đã nghĩ tưởng rằng “Đấng cứu thế” của họ phải là một sức mạnh không gì chống nổi: vung tay một cái là Đế Quốc Rô Ma tan tành ; búng tay một cái là Do Thái thành giàu mạnh; v.v… Giêsu không là và đã không làm như họ mơ đợi, ngược lại Giêsu kêu gọi hãy từ bỏ thế giới mộng tưởng đó đi, thế giới đầy những giáo điều và lũng đoạn của Giáo Quyền Do Thái giáo. Chẳng những thế, Giêsu còn chống lại khái niệm thần quyền cực đoan của tôn giáo này. Theo Cựu Ước, Abraham đã sẵn sàng giết chết Issac, người con duy nhất của ông để thỏa mãn yêu cầu của Daquê, một Thiên Chúa hung dữ. Với Giêsu, Thiên Chúa chẳng những đã được thể hiện qua hình ảnh một người Cha nhân từ mà còn đã hiện hóa thành người, nơi con người và là người. Lời nói và việc làm Giêsu bị lên án, ngay cả Thánh Pie, đệ tử trung thành nhất của ngài, cũng không tin chính ngài là “đấng cứu thế”, và người ta đã quyết định đóng đinh ngài trên thập giá.

 

            Muôn đời con người đi tìm hay chờ đợi “sự thật”, nhưng khi “sự thật” hiện hữu trước mặt thì không thừa nhận, chỉ vì “sự thật” không giống ước mơ của con người, trần truồng quá, bình dị quá. Hãy từ bỏ thế giới ảo tưởng được tiêm nhiễm trong mỗi người, nó đầy tiên kiến, qui định, giáo điều, đầy lo sợ, phiền não… để trở về sống với thế giới của thực tại. Mà thực tại là vô thường, là vần chuyển mãi, là mãi mãi trở thành, và mọi sự mọi vật đều liên hệ phụ thuộc lẫn nhau. Khi đã trở về với thực tại, mỗi người sẽ thấy rõ đâu là con đường của chính mình để tiến đạt dần đến trạng thái tự do và thanh tịnh hoàn toàn (tự tại). Trạng thái này Đức Phật gọi là niết bàn, nó là thành quả của quá trình quán chiếu và thẩm thấu thực tại, chứ không phải là cứu cánh của Phật pháp (hay phương pháp giúp giải trừ mộng tưởng).

            Giêsu đã chống sự toàn trị của Đế Quốc Rôma và cũng đã dạy “Đừng gọi ai là cha vì các ngươi chỉ có một Cha duy nhất trên trời, đừng tôn ai làm thầy vì các ngươi chỉ có một người Thầy là ta”. Ôi, còn biết bao nhiêu điều Giêsu đã làm, đã dạy, không được những người nhân danh ông, nhân danh Giáo Hội của ông, tôn trọng kế thừa!

 

            Vấn đề tôn giáo, dù muốn hay không đây cũng là vấn đề lớn của xã hội, và việc giáo dục người dân là trách nhiệm của nhà cầm quyền. Ước gì môn tôn giáo học được giảng dạy trong chương trình trung học, được nghiên cứu và thảo bàn rộng rãi ở cấp đại học, kèm với việc chuyển dịch các tài liệu Âu Mỹ sang tiếng Việt, để cho tuổi trẻ Việt Nam có dịp mở mang kiến thức, có dịp làm quen với các tôn giáo, kể cả các tôn giáo chưa có mặt tại Việt Nam. Nhưng vì khi kiến thức của người dân được mở mang thì ngôi vị của tầng lớp cầm quyền sẽ bị đe dọa, nên có lẽ ước mơ này chỉ có thể được thực hiện cách tốt đẹp khi nào tại Việt Nam có một Nhà Nước thật sự hiểu và biết coi trọng hai chữ “dân tộc” mà thôi.

            Phong trào đòi các quyền tự do, trong đó có tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo, nổ ra ở Âu Châu từ Thời Đại Ánh Sáng (thế kỷ thứ 16), bắt nguồn từ phản ứng của người Âu Châu, khi đạt đến một trình độ tri thức nào đó, chống lại sự độc tôn tôn giáo, độc quyền tín ngưỡng và tư tưởng, áp đặt bởi Giáo Hội Catô giáo La Mã (trong cuộc đấu tranh này phải kể đến sự đóng góp to lớn của các nhóm di dân người Do Thái, họ bị thảm sát không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn cương quyết giữ lấy tôn giáo gốc của mình). Chính nhờ thế mà Âu Châu mới được như ngày hôm nay. Song song, cấu trúc Nhà Nước – Quốc Gia (Etat-Nation) được thành lập, và tự do tín ngưỡng của người dân, nhất là khi người đó chưa đến tuổi trưởng thành để có thể tự lựa chọn, được bảo vệ, cùng với việc bảo vệ sự thống nhất quốc gia và sự sống yên ổn của người dân.

 

            Luật pháp của các nước tiên tiến cho ta nhiều thí dụ. Tại Pháp, chẳng hạn, trong Bộ Nội Vụ có một cơ quan lo về các vấn đề tôn giáo; cấm nhà thờ rung chuông trước 10 giờ sáng, kể cả ngày nghỉ và ngày chủ nhật; cấm mọi tập tục tôn giáo làm cản trở việc hôn nhân dị giáo; Jules Ferry hồi đầu thế kỷ này đã đuổi các tu sĩ ra khỏi trường…; và mới đây (1995) Bộ Trưởng Nội Vụ mong rằng tại Pháp có một tổ chức Hồi giáo vững chắc trong khuôn khổ của luật pháp quốc gia và được luật pháp này bảo vệ, chứ không để phụ thuộc vào bất kỳ một uy quyền nào nằm ngoài quốc gia.

            Có sự lẫn lộn giữa các chức vụ chính thức của Giáo Hoàng:

1/ Evêque de Rome – Giám Mục giáo phận Rôma; 2/ Souverain Pontife de l’Eglise Catholique de Rome – Giáo Hoàng của Giáo hội Catô giáo Rôma; và 3/ Chef d’ Etat du Vatican – Nguyên thủ Quốc gia Vatican, nhưng quan hệ giữa một Nguyên thủ Quốc gia với Giáo Hoàng là quan hệ trên căn bản giữa  quốc gia với quốc gia. Và khi một người công dân Việt Nam chẳng hạn nhận lãnh một tước vị (cardinal, hồng y, monseigneur, mông xây nhơ), một chức vụ (giám mục địa phận) và một sứ mạng (bành trướng nước Chúa tại Việt Nam chẳng hạn), thì quốc gia Việt Nam phải thể theo công pháp quốc tế mà hành xử: toàn quyền xét quyết, đồng ý hay không đồng ý, sự bổ nhiệm đó, và trong thời hạn nào; nhưng khi đồng ý thì phải đối xử với đương sự như công dân của Vaitican, và cấp cho người đó một giấy chứng minh thường trú (carte de résidence). Tại vì người “Việt Nam” đó bây giờ đã là một công chức ngoại quốc chứ không còn là một công dân Việt Nam nữa.

 

III. SÁCH CỦA GIOAN PHAO LỒ II

Không phải những câu trả lời của Giáo Hoàng, trong quyển Entrez Dans L’ Espérance (Hãy vào với hy vọng), là quan trọng, vì ai có nghiên cứu về Giáo Hoàng Quyền (La Papauté) đều có thể đoán trước được hướng tư tưởng và việc phải làm của ông, nhưng chính những câu hỏi được nêu ra trong sách mới là đề tài đáng được nghĩ bàn và thảo luận rộng rãi, vì trong đó một số câu hỏi được đặt ra cho mọi người, mọi tôn giáo (cả “duy vật giáo”), chứ không phải chỉ dành riêng cho Giáo Hoàng và Giáo Hội Catô giáo. Câu hỏi “Phải chăng Phật giáo là giải pháp thay thế cho Thiên Chúa giáo ?” (trg. 139) đâu phải chỉ nêu ra cho Giáo Hoàng; đâu phải tự nhiên mà nó được nêu ra; và câu hỏi, tự nó, đã thể hiện như một thông điệp của hy vọng.

Thật ra Giáo Hoàng đâu có trả lời câu hỏi này, ông chỉ lên lời cảnh giác giáo hữu của ông mà thôi, với những lời phán xét chủ quan quen thuộc, đã từng thấy trong các tài liệu của Giáo Hội hay trong những phúc trình của các nhà truyền giáo hồi thế kỷ 17 hoặc 18, như nào là: Phật giáo không phải là một tôn giáo, là vô thần, là xuất thế, là thấp kém (“suy tư của Đức Phật chỉ dừng lại chính là ở chỗ khoa thần bí Camêlô bắt đầu” – trg. 143), hoặc như Allah của Hồi Giáo (Allah không phải là Thượng Đế thật – trg. 153).

 

Mượn lời của Đức Giêsu Kitô “Các con đừng sợ”, tôi xin đệ lời: “Thưa Giáo Hoàng, thưa các Catô hữu, xin quý ngài đừng sợ; đừng sợ Phật giáo, đừng sợ Hồi giáo, đừng nên hạ thấp các tôn giáo khác; đó không phải là cách để tôn vinh tôn giáo của quý ngài”. Đâu phải vì Phật giáo hay vì Hồi giáo mà ngày nay Catô giáo phải gặp khủng hoảng Đức Tin và Giáo Hội của quý ngài đang gặp khủng hoảng quyền lực, và đâu phải các khủng hoảng này chỉ dành riêng cho Catô giáo và Giáo hội của quý ngài.

Mọi cơ cấu tổ chức trong xã hội con người đều phải dựa trên một cấu trúc tư tưởng (hay đức tin), và mọi tổ chức nếu không tự cải sửa cơ cấu và tư tưởng để theo kịp trình độ phát triển kiến thức của thời đại đều phải gặp khủng hoảng.

 

IV. GẶP GỠ ĐÔNG TÂY

Toàn bộ hệ thống tư tưởng của truyền thống Âu Tây đặt trên hai chữ “Sáng tạo” (création), và dĩ nhiên khái niệm “sáng tạo” phải đi đôi với khái niệm “đấng sáng tạo”, với một thời điểm “sáng thế” và một ngày “tận thế”. Nhưng với đà phát triển vùn vụt của kiến thức khoa học hiện nay, khái niệm “tiến trình” (processus) thay thế nhanh chóng khái niệm “sáng tạo”: Con người không còn được xem là tạo phẩm đã hoàn thành của Thiên chúa nữa, mà là một “tiến trình”, “tiến trình trở thành”, mãi mãi trở thành, không điểm khởi đầu, không ngày chấm dứt. “Sự bùng nổ (big bang) cũng thế, là một bước trong “tiến trình trở thành” toàn diện và dài dẳng của vũ trụ. Vũ trụ cũng là một tiến trình. Và để đạt được trình độ kiến thức hiện nay, khoa học cũng phải trải qua một tiến trình.

Ở trình độ phát triển kiến thức này, Đức Tin nền tảng thứ hai của Thiên Chúa giáo (sau Đức Tin thứ nhất về sự sống lại của Giêsu Kitô) bị phủ nhận hay bị hoài nghi, và khoa học hiện đại bắt gặp nền tảng tư tưởng của truyền thống Á Đông, trong đó có tư tưởng của Phật giáo. Nhưng không phải vì thế mà các hệ tư tưởng Á Đông, nói chung, và Phật giáo nói riêng, không gặp phải khủng hoảng ở mặt tổ chức và quyền lực.

 

Mượn lời của Đức Giêsu Kitô một lần nữa, tôi xin thưa với quý vị Phật tử rằng: “Xin quý ngài đừng sợ; đừng sợ Catô giáo; và cũng đừng ngạc nhiên khi thấy Catô giáo Việt Nam trưng lên ngọn cờ quốc gia dân tộc, chống việc Tây phương hóa Việt Nam”. Vì ngày nay Tây phương hóa đồng nghĩa với khoa học hóa (dù khoa học hóa không hẳn là Tây phương hóa) và đồng nghĩa với thế tục hóa, thuốc giải trừ mọi thứ đức tin không kiểm nghiệm được.

Nhân loại không thể dừng lại ở thời đại “hậu thế chiến 2”, thời đại mác-cạt tít (chủ nghĩa Mc Carthy, Mỹ): “Với bom nguyên tử chúng ta sẽ Thiên Chúa giáo hóa toàn thế giới”. Đạo học Đông Phương và khoa học Tây Phương đang tìm gặp nhau, như đang tìm phân nửa khác của chính mình. Cả hai đều thấy rõ mối quan hệ hỗ tương liên lập giữa mọi sự mọi vật (nhân duyên sinh Phật giáo), và mỗi bên đang nỗ lực tìm một tổng hợp đề cho nhân loại ngày mai.

Nếu người Âu Châu không từ bỏ thế giới của họ, không tự giải thoát khỏi những ràng buộc của thế giới Âu Châu thời trung cổ, thế giới bị ngự trị bởi những đức tin, tín điều, tiên kiến, qui định phải trái tốt xấu, thế giới xây nền trên hai chữ “sáng tạo”, ngắn gọn “thế giới sáng tạo”, thì Âu Châu đã không được như ngày nay, và kiến thức khoa học cũng không thể phát triển nhanh, để bước sang “thế giới tiến trình và liên lập” như hiện nay.

 

“Thế giới sáng tạo” là thế giới cứng chết (chẳng hạn như: con người là tạo phẩm đã hoàn thành của Thiên Chúa). “Thế giới tiến trình” là thế giới sinh động và mãi mãi trở thành, tức là nó bao hàm chiều kích thời gian. “Tiến trình trở thành” là tiến trình cải tiến mãi hiện tại để tiến tới tương lai, mà hiện tại cũng là một bước cải tiến từ và trên căn bản của quá khứ. Ở đây có đặt vấn đề làm mới mãi quá khứ và hiện tại chứ không đặt vấn đề phủ nhận hay xóa bỏ nó. Tức là khỏi phải làm “cách mạng”!

Chính vì thấm nhuần quan niệm “tiến trình” này mà người Nhật đã tạo nên được quốc sách “cải thiện” (kaizen), áp dụng trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội Nhật Bản. Và như nhiều người đã biết, nếu không có quốc sách kaizen thì cũng không có nước Nhật của quá khứ và không ngừng tiến đến tương lai.

“Con người trở thành” là “con người phi tôn giáo” (theo nghĩa Tây Phương), không phải chống tôn giáo. Nhưng không phải chỉ các tôn giáo sẽ bị vượt qua, mà tất cả những gì xây nền trên quan niệm “con người là tạo phẩm của Thiên Chúa” đều bị xét lại. “Quyền con người” cũng là một tiến trình, cũng trải qua nhiều thế hệ trước khi nó ra đời, và từ 1791 đến nay nó đã trải qua nhiều lần điều chỉnh cho hợp với cách nhìn mở rộng về con người (mãi đến sau thế chiến thứ 2, người ta mới bắt đầu thừa nhận các dân da màu cũng là người). Nhưng nay nó không còn có thể điều chỉnh được nữa, vì chính quan niệm nền tảng cũ về con người đã không còn giá trị. Và dĩ nhiên 3 nguyên lý nền tảng: tính hợp lý, tính cá nhân và tính giao kèo, của cấu trúc và sinh hoạt chính trị, xã hội và luật pháp của các thể chế dân chủ Âu Mỹ, vì cũng xây nền trên “Quyền con người” này, nên cũng bị mất chân đứng và khủng hoảng trầm trọng.

 

V. HÃY VÀO VỚI THỜI ĐẠI

Nhà nghiên cứu chính trị của trường Harvard, S.Huntington, qua bài viết của ông “The Clash of Civilisation?” đăng trong Foreign Affairs số mùa hè năm 1993, cho rằng những tranh chấp quốc tế trong tương lai sẽ năng màu sắc văn hóa hơn là ý hệ và kinh tế; hẳn nhiên là còn nhiều chỗ cần được thảo bàn thêm, nhưng luận đề này cũng lưu ý chúng ta rằng “muốn có mặt trong thế giới ngày mai, Việt Nam cần phải có cái văn hóa của mình”. Hoặc nói rằng Việt Nam cần làm một tổng hợp, Đông và Tây, Hoa và Ấn, hơn là đối thoại hay đối đầu, thì công việc cũng phải bắt đầu từ chỗ biết mình là ai, đang ở đâu và muốn gì cho ngày mai. Hoặc như nói rằng “thời đại này là thời đại của đối thoại”, nhưng nếu không biết ta là gì thì Việt Nam lấy gì để đối thoại.

Nói cách khác, người Việt cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ và mãi mãi cuộc hành trình tìm lại chính mình, tìm lại dân tộc tính Việt. Đây mới thật là vấn đề sống còn của dân tộc. Không thế, người Việt và nước Việt có thể trở thành bất cứ cái gì nhưng chắc chắn không phải là Việt Nam.

 


 

 

ĐỐI THOẠI: “SỞ TRI CHƯỚNG”
VÀ “KINH TẾ THỊ TRƯỜNG”

Phạm Trọng Chánh

 

Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị là vị uyên bác giáo lý Kitô giáo, Ngài đã và đang làm những chuyện phi thường, điều đó mọi người đều công nhận. Ngài là Người đối thoại với mọi tôn giáo và có lẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên viết vài trang sách về Phật giáo. Tiếc thay khi đối thoại với Phật giáo tâm trạng Ngài lại giống như thi hào Lý Bạch đứng trước Hoàng Lạc Lâu:

Trước mắt có cảnh không tả được

Vì thơ Tô Hiệu ở trong đầu.

Ngài viết về Phật giáo nhưng trong đầu Ngài đầy những kiến thức về Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh Têrêxa Avila, khoa thần bí Carmêlô, Thánh Thomas Aquinas, những nhà thần bí Bắc Âu, Vincent de Paul, Gioan Bosco, Maximilian Kolbe … Điều nhà Phật gọi là sở tri chướng, cái hiểu biết đã sẵn có đã đầy, ngăn cản điều hiểu biết mới như tách trà đã đầy, rót thêm chỉ tràn ra ngoài. Như tâm trạng người Việt Nam nặng lòng cố quốc tha hương đi đến đâu cũng thấy cảnh quê mình, đứng trước tháp Ép – phen (Eiffel) thì thấy cái chòi tre quê mình, trước nhà thờ Đức Bà Paris thì chỉ thấy ngôi chùa làng mình, trước bãi biển Nice thì cứ như thấy ở Vũng Tàu, rồi so sánh cái thấp, cái cao, cái to, cái nhỏ. Một đôi điều giống nhau cũng đủ “tâm viên ý mã” đi từ kỷ niệm này sang kỷ niệm khác.

Đi từ cái “tâm” sẵn có ảnh hưởng bởi những hiểu biết trước trong đầu, những nhận thức về Phật giáo của Giáo Hoàng làm cho những người hiểu biết về Phật giáo khó chịu và cảm thấy thương tổn. Nếu không thể so sánh được cái chòi tre với cái tháp Eùp-Phen thì cũng không nên so sánh “khoa thần bí Carmêlô này khởi đầu chính ở điểm mà những suy tư của Đức Phật dừng lại”. (Gioan Phaolo II – Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng – Thăng Tiến CA 1995 – trang 100).

Nước biển cùng một vị mặn nhưng không nên kết luận rằng bãi biển Nice là bãi biển Vũng Tàu. Sự giác ngộ của Đức Phật không nên so sánh với Thánh Gioan Thánh Giá nhìn thấy “tâm hồn con người được đốt cháy bằng ngọn lửa nồng nhiệt tình yêu”. Hai tôn giáo khởi nguồn từ hai nền tảng khác biệt. Đạo Phật tin vào sự tự cứu lấy mình, tự thắp đuốc lên mà đi. Kitô giáo tin vào sự cứu rỗi một Đấng Thượng Đế, Phật giáo tin vào sự giác ngộ thoát vòng luân hồi. Kitô giáo tin vào hồng ân lên cõi Thiên Đàng.

Đọc Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng của Giáo Hoàng John Paul II, người đọc không khỏi chú ý nhiều đến những câu hỏi của ký giả Vittorio Messori, những câu hỏi rất hay, đặt đúng các vấn đề tâm điểm của Kitô giáo ngày nay. Những câu hỏi về Kitô giáo nên để các nhà chuyên môn về vấn đề này suy nghĩ và thảo luận.

Câu hỏi về Phật giáo biểu lộ mối ưu tư về một “cạnh tranh thị trường”, món hàng nhập cảng “Phật giáo” ngày càng đông người “tiêu thụ” ngày càng bành trướng tại Tây Phương, thu hút giới trí thức, các nhà tâm lý học, phân tâm học, môi trường học. Phật giáo có nguy cơ là một “hoán đổi” hoặc “bổ sung” tại “thị trường tôn giáo Tây Phương”. Nhiều tu sĩ, linh mục còn áp dụng Thiền vào việc tỉnh tâm, nhiều học giả Thiên Chúa giáo nghiên cứu sâu rộng về Phật giáo và bị “mê hoặc” bênh vực cho Phật giáo.

Những điều đó làm đảo lộn cái trật tự chỉ muốn đem cái ánh sáng văn minh phương Tây khai hóa cho các lục địa Á Phi, nghĩa là chỉ “xuất cảng” mà không muốn “nhập cảng” để cân bằng cán cân thương mại. Tượng Phật được chấp nhận làm vật trang trí tại Tây Phương để gắn lên cái chụp đèn cho đẹp căn phòng khách, được bày trên tủ sách để chủ nhân tỏ ra là người khôn ngoan hiểu rộng học rộng!

Thiền là môn thể dục không hơn không kém như Judo, Karaté. Tại Pháp, Phật giáo đã được vượt qua biên giới chủng tộc tôn giáo của người Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật, Việt Nam… hay tôn giáo của “người Tây Phương mắc bệnh tinh thần chân hổng mặt đất” mà ngày  càng lôi cuốn giới trí thức, công thương kỹ nghệ gia. Hơn 300.000 người Pháp theo đạo Phật trong vài thập niên gần đây và con số không ngừng tăng trưởng, sách báo nghiên cứu đạo Phật ngày càng nhiều. Khi ngày càng có đông đảo những người Tây Phương đi tu, ăn chay, tín đồ Tây phương đến chùa đông đảo, học Thiền với người Tây Tạng, người Nhật, người Việt Nam… và đã có những người Tây Phương cải đạo, đi giảng dạy Phật pháp, dạy Thiền và đông đảo người đến học.

Phật giáo trở thành mối đe dọa “cạnh tranh” trên thị trường Tây Phương. Tại Pháp, Thiên Chúa giáo chỉ còn có 23% người ngoan đạo đi nhà thờ, số linh mục tu sĩ ngày càng thiếu hụt. Hiện tượng các thánh lễ tại Pháp được cử hành bởi các giáo sĩ da đen, da vàng trở thành phổ biến vì sự thiếu hụt tu sĩ.

Các trang sách Giáo Hoàng viết về Phật giáo, Phật tử các nước trên thế giới đều không bằng lòng, các nhà thần học trong giáo hội Thiên Chúa giáo đã vội xin lỗi về sự khiếm khuyết của Giáo Hoàng trong sự hiểu biết về Phật giáo. Nó biểu lộ mối lo ngại về “cạnh tranh thị trường” hơn là về triết học, tôn giáo, tư tưởng: Món hàng gọi là mới đó, tôi cũng có tương tự, cái của tôi còn hay hơn, cao siêu hơn, món hàng kia không xài được, không bền, không có Thượng đế “bảo hiểm”.

Phật giáo không phải là giáo phái “mẹ mìn” đang quyến rũ dụ dỗ con cái Chúa, cũng không phải là ông thần của những dân tộc bán khai, mà là một tôn giáo lớn Đông Phương với 2.500 năm hiện diện, một hệ thống tư tưởng xây dựng vững vàng qua bao thời đại từ Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cao Miên, Tây Tạng, Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam. Sự đối thoại chỉ có thể bắt đầu khi hai đối tượng công nhận lẫn nhau trong tinh thần tương kính, bình đẳng.

Nếu những đoạn viết trong cuốn sách trên về Phật giáo là của một linh mục truyền giáo hay một trí thức Kitô giáo thì đó là việc bình thường vì hơn 300 năm qua, những báo cáo, những bài viết các vị thừa sai về Phật giáo đầy rẫy những ngộ nhận ngây ngô, những xuyên tạc ác ý như thế. Chúng ta có thể đọc những dòng tương tự từ thời Alexandre de Rhodes. Điều này khác xa với thái độ nghiên cứu các học giả người Anh và sự tôn trọng văn hóa, bản sắc tôn giáo người Anh đối với Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện.

Nhưng bài viết của Giáo Hoàng, một vị Thánh không thể nào có sai lầm (?), thì ảnh hưởng nó sẽ tác hại vô cùng đến toàn thể tín đồ Thiên Chúa giáo trên thế giới. Điều này giải thích lý do vì sao Phật giáo các nước Tích Lan, Thái Lan phản ứng mạnh mẽ trong khi chẳng ai buồn trả lời hàng ngàn bài viết của các vị thừa sai trong mấy thế kỷ qua về Phật giáo.

 


 

VỀ NỖ LỰC BÀO CHỮA  CHO GIÁO HOÀNG JOHN PAUL II

CỦA MỘT TÍN HỮU KITÔ RÔMA

 

Hoàng Hà Thanh

 

PHẦN I

            1. Sau khi đọc bài “Scholars Cite Lack of Resurrection Evidence” trong mục Religion, Los Angeles Times phát hành tại Los Angeles ngày thứ bảy, 11 tháng 3, 1995, tôi xuống nhà xem thùng thơ, nhận được tờ Người Việt gửi đến và hân hạnh đọc được bài “Có Sự Ngộ Nhận Về Lời Phát Biểu Của Đức Giáo Hoàng Liên Quan Đến Phật giáo Trong Cuốn Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng? đăng trên báo Người Việt, trang Diễn Đàn, ngày 2 tháng 3, 1995, mà tác giả là Luật Sư Phạm Văn Phổ, chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Bài này đăng lại bài cùng tên đã đăng trên Hiệp Nhất, tháng 3, 1995. Trọng điểm của bài báo này không gì khác hơn là Luật Sư Phổ đóng vai một “apologist” hay “advocate” cho cái gọi là “ngộ nhận” về việc Giáo Hoàng “phỉ báng” Phật giáo.

            Bài viết này nhằm góp ý với Luật Sư Phổ về mấy trọng điểm sau đây: vô thần, giải thoát và cứu rỗi, sự sai lầm của Giáo Hoàng John Paul II. Sự nhận định sai lầm của Luật Sư Phổ, một tín đồ, bắt nguồn từ sự sai lầm to lớn của Giáo Hoàng về Phật giáo, vị giáo chủ của tôn giáo ông.

 

            2. Ngày 22 tháng 10, 1994, cuốn Crossing the Threshold of Hope của Giáo Hoàng John Paul II được phát hành tại nhiều tiệm sách, tôi tìm mua, đọc và viết xong bài giới thiệu cuốn sách vài ngày sau. Khi đọc kỹ cuốn sách nói trên, đặc biệt phần nói về Đức Phật, tôi nhận thấy Giáo Hoàng đã có rất nhiều nhận định sai lầm về Phật giáo. Theo nhãn quan của tôi, sự sai lầm này có thể do hai nguyên do: thiếu hiểu biết về một tôn giáo lớn của nhân loại đã ra đời cách đây hơn 25 thế kỷ và đang trên đà phát triển mãnh liệt trong giới trí thức Tây Phương, hay cố tình nhận định sai lạc có ác ý và nhồi sọ tín đồ của ông với những điều không tốt về Phật giáo, một tôn giáo sẽ được tôn kính ở Tây Phương vào thế kỷ 21 trong khi KiTô Giáo KTG (Christianity) thuộc giáo hội La Mã (Catholic) rời bỏ Tây Phương để phát triển ở Đệ Tam Thế Giới với trình độ trí thức thấp kém. Lúc đó tôi chỉ viết vài bài giới thiệu sách vì sách còn quá mới mẻ đối với các tín đồ của ông và đọc giả khác, nên việc phê bình tạm gác cho tới khi có số đọc giả tạm đủ đọc bài phê bình những sai lầm của tác giả.

 

3. Đề tựa cuốn sách là Crossing the Threshold of Hope có thể dịch bằng nhiều cách sang Việt Ngữ. Sau khi thử dịch nhiều cách, tôi chọn Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng, để hy vọng lột được ý của tác giả muốn nói lên ưu tư về sự lung lay của giáo hội vì số tín đồ đi dự thánh lễ càng ngày càng ít, số người đi tu càng ngày càng ít, số người rửa tội tăng chậm hơn mức gia tăng dân số trong giới tín đồ, nhất là những nữ tu sĩ vì tòa thánh Vatican luôn luôn coi nhẹ hàng nữ tu. Muốn hiểu rõ hơn xin đọc History of God của giáo sư Karen Armstrong (nguyên nữ tu sĩ) và A Crisis of Conscience của bác sĩ Hugh R. K. Barber (nguyên là một tín đồ thuần thành), đọc các nhà thần học giải phóng (liberation theology), như Gustavo Gutierrez, Leonardo Boff, Juan Segundo, Batolomé de Las Casas, John Federick Denison Maurice, Dietrich Bonhoeffer, Saul D. Alinsky, các “encyclical letters” (của các Giáo Hoàng) quan trọng như Rerum Novarum của Giáo Hoàng Leo XIII, Qua esimo Anno của Giáo Hoàng Pius XI, Mater et Magistra của Giáo Hoàng John XXIII, đặc biệt tài liệu Rockefeller Report of 1969 (một bản tường trình do cơ quan RAND Corporation ở Santa Monica soạn) với nhan đề là Latin America Institutional Development: The Changing Catholic Church. Bản tường trình này nói lên sự xung đột giữa tòa thánh Vatican và các hàng giáo phẩm của toàn vùng Châu Mỹ La Tinh. Người đọc có thể hiểu bằng hai cách “bước qua ngưỡng cửa hy vọng từ tuyệt vọng sang hy vọng hay từ hy vọng sang tuyệt vọng”. Dù hiểu theo cách nào, người ta cũng mường tượng thấy cái lúng túng của Tòa Thánh. Cách dịch của tôi cũng được một nhóm tín đồ dịch cuốn sách của Giáo Hoàng chọn làm đề tựa cho bản tiếng Việt.

 

4. Vị Trí Của Người Viết: Để tránh những hiểu lầm có thể xảy ra sau khi bài này được đăng tải. Có người sẽ nói bài này viết ra để “bênh” Phật giáo hay tồi tệ hơn nữa, để … “phá thối”. Tôi viết bài này trên cương vị một người nghiên cứu đạo giáo, Phật giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo, Kỳ Na Giáo, Do Thái Giáo… Tôi không quy y với bất cứ một cố Hòa Thượng X, tôi không phải là Phật tử của Thầy Y, tôi không phải là hội viên của ban hộ niệm chùa Y, và chưa bao giờ là thành viên của tổ chức Phật giáo Z nào từ trước đến nay. Đối với hầu hết Chư Tăng và Phật Tử tại đây, tôi là một người hoàn toàn xa lạ… Tôi chỉ là môn sinh của Triết Lý Đấng Thích Ca. Đơn giản có vậy. Tất cả ý kiến trong bài này là của tôi, không hội ý với bất cứ người nào ngoài việc rút tỉa những điều hiểu lấy ra từ  sách vở tôi đã đọc. Đạo lý nào hay, triết lý nào thâm sâu tôi học hỏi, suy ngẫm. Tôi theo 6 điều cuối của Mười Điều Giáo Lệnh nói trong Cựu Ước, tôi theo Thập Thiện Kinh trong kho tàng kinh điển Phật. Tôi suy ngẫm Tứ Diệu Đế và thực thi đúng đắn Bát Chánh Đạo. Không có một cái gì đứng sau bài viết. Tôi cũng không phải là bạn chí thân của bất cứ tờ báo, tạp chí nào. Các vị chủ nhiệm, chủ bút những tờ báo hay tạp chí đăng tải bài viết (không tiền nhuận bút) của tôi hay không là do quyết định của các vị đó. Việc đăng tải hay không nằm ngoài tầm tay của tôi. Tôi chỉ xin một điều, nếu đăng tải bài viết của tôi, khi có lời phê bình hướng về tôi, cho tôi cơ hội đăng bài trả lời theo đúng tinh thần dân chủ. Mục đích của tôi là trình bày với độc giả một ý kiến cá nhân dựa vào những dữ kiện có đầy rẫy trong sách, báo, tài liệu có sẵn trong các thư viện. Việc kiểm chứng những điều tôi đưa ra không phải là một việc làm khó khăn.

Mọi sự phê bình xin hướng thẳng về cá nhân tôi. Những lời phê bình của người đọc sẽ soi sáng trí tuệ của tôi. Tôi xin đa tạ trước. Tôi không hy vọng độc giả đồng ý tất cả những gì tôi viết. Các tín đồ Phật giáo không cần tôi viết bài trả lời vì Phật giáo chủ trương không “chấp ngôn”, “chấp ngữ” và luôn luôn chủ trương “lục hòa”. Phật giáo chủ trương tạo “thiện nghiệp”, không bao giờ tạo “ác nghiệp” cả. Vậy Phật giáo cần gì tới bài viết này của tôi. Tôi giới thiệu sách của Giáo Hoàng không phải vì tôi là tín đồ KTG, tôi viết bài này cũng chẳng phải vì tôi là tín đồ Phật giáo. Tôi viết vì có những nhận định sai lạc về Phật giáo từ phía Giáo Hoàng John Paul II. Hơn 2,500 năm, Phật giáo, theo chứng tích lịch sử, vẫn đi song hành với những nguồn tư tưởng khác, không có một cuộc đổ máu nào xảy ra. Điển hình như tại Trung Hoa: Lão Giáo, Khổng Giáo và Phật giáo đi song hành. Tại Việt Nam, Chùa Một Cột, bên cạnh Vườn Bách Thảo được xây cất cách đây cả 10 thế kỷ, biểu tượng cho Tam Giáo Đồng nguyên.

 

5. Theo tôi hiểu, Luật Sư Phổ viết bài báo nói trên không ngoài mục đích là “defuse” một vài căng thẳng mới chớm nở. Theo triết lý nhà Phật, thì việc làm của Luật Sư Phổ mang cái “Tâm Phật” trong đó. Nhưng ai cũng biết “Vô Minh” đưa đến phiền não. Tại Hoa Kỳ, cultural awareness, religious awareness được huấn luyện cho mọi giai tầng công nhân, cũng như trí thức và mọi giai tầng công dân. Nhưng rất tiếc, tôi không thấy điều này ở Luật Sư Phạm Văn Phổ.

 

6. Lối lập luận trong bài viết này tôi học được của St Thomas Aquinas. Trong bộ thần luận Summa Theologiae, một đại tác phẩm thần học, mà một số người quen thuộc với hệ thống tiếng Pháp biết dưới tên St Thomas d’Aquin, đưa ra 5 cách lập luận để cuối cùng chứng minh có Thượng Đế. Năm cách này, Five Ways (Quinque Viae), mà tôi xin tạm dịch là “Ngũ Cách” hay “Ngũ Đạo”. Ông lấy sự việc A làm “moving cause” để lập luận tới B, từ B sang C, từ C sang D, từ D sang E, tức là Thượng Đế. Tất nhiên lối lập luận không đi đến vô tận mà tới bậc thứ 5 “finality” là hết, nghĩa là Thượng Đế là bậc cuối cùng. Bất cứ ai đọc St Thomas Aquinas phải công nhận đây là lối lập luận thần diệu.

 

7. Nếu nói “Công” thì phải có “Tư”, hay nói khác hơn những tôn giáo khác không phải là “Công giáo” chỉ là “Tư Giáo” hay “Tôn Giáo Không Chính Thức” như Phật giáo, Cao Đài Giáo, Hồi Giáo… có mặt trong Cộng Đồng Việt Nam? Nếu chữ Catholic mà Luật Sư dịch là “Công”, tôi xin lỗi vì hiểu sai ý Luật Sư. Tại Việt Nam trước đây, nhiều người dùng sai chữ “Lương” trong lúc phân biệt giữa người theo Kitô giáo và người không theo Kitô giáo. Người ta thường nghe nói “Lương”“Giáo”. “Lương” là lương thiện, thế “Giáo” không lương thiện hay sao? Sự sai lầm cứ tiếp diễn, cho tới lúc dùng theo thói quen mà không hiểu ý nghĩa ban đầu mà người ta dùng với ý nghĩa chê bai.

Cũng như Chúa Giêsu Kitô không sinh vào ngày 25 tháng 12 đầu tiên của Kỷ Nguyên Thiên Chúa (Christian Era) hay có người gọi là Công Nguyên (Common Era), Tây Nguyên (Western Era), Tây Lịch (Western Calendar), và mới nhất Hiện Đại (Present Era). BC (Before Christ) và AD (Anno Domini) được ông Dionysius Exiguus, một tu sĩ vào thế kỷ thứ 6, dùng lần đầu tiên năm 533. Chúa Giêsu Kitô được sinh ngày 1 tháng 3 năm thứ 7 trước công nguyên. Tính đến thời gian hiện tại, Chúa Giêsu Kitô đã sinh cách đây 1995 năm + 7 năm = 2002 năm rồi (theo chứng tích khảo cổ và Thánh Kinh, và sách Luke 1:56). Nhưng sự sai lầm này vẫn tồn tại trên 15 thế kỷ. Ta dùng theo thói quen, không biết là sai, vì không còn ai biết nó sai nữa.

Một thí dụ nữa, Chúa dựng nên trời đất và con người trong 6 ngày. Ngày thứ bảy phải nghĩ (Sabbath). Ai làm việc là phạm tội. Ấy thế mà khu phố Bolsa rất tấp nập kẻ mua người bán vào ngày thứ bảy (7th day). Có khi có người bán quà bánh, nước uống trước cửa nhà thờ vào ngày thứ bảy, có ai biết là làm sai lời Thánh Kinh đâu. Xin độc giả đọc lại Thánh Kinh sẽ rõ. Những hàng chữ vẫn còn đó. Làm ngày làm đêm, làm thêm chủ nhật còn chưa đủ sống, huống chi là nghỉ một ngày. Hơn nữa, người Do Thái, tín đồ Tin Lành, Hồi Giáo không đồng quan điểm với tòa thánh coi ngày thứ bảy (7th day) rơi vào Ngày Thứ Bảy (Saturday). Ngày thứ 7 này có thể là Thứ Sáu (Friday) hay Thứ Tư (Wednesday), mặc dù tất cả đều chiêm ngưỡng Cựu Ước.

 

8. Buổi sáng ta thấy mặt trời mọc phương Đông, trưa trên đỉnh đầu, chiều hạ xuống phương Tây. Ta có cảm tưởng quả đất phẳng và đứng yên một chỗ, mặt trời quay quanh trái đất. Tòa thánh Vatican cho rằng trái đất phẳng, đứng yên một chỗ và là trung tâm của vũ trụ. Tín đồ cứ hiểu như vậy cho tới khi ông Galileo nói rằng trái đất tròn và quay quanh mặt trời. Ông đã trả một giá quá mắc, bị tù chung thân vào lúc tuổi già. Bốn trăm năm sau Tòa thánh mới công nhận là lầm lẫn và hủy bỏ bản án. Còn rất nhiều trường hợp khác như Jeanne d’Arc, Martin Luther, Darwin, Cha dòng tên Pierre Teillard de Chardin… đọc lại lịch sử để rút tỉa những bài học quý báu. Rất tiếc luật sư Phạm Văn Phổ hình như quên những trang sử đen tối đó. Ta thường nghe nói “Vô minh gây phiền não”. Nhận định sai lầm của Giáo Hoàng John Paul II có lẽ sẽ được làm sáng tỏ khi tòa thánh có một vị Giáo Hoàng mới, với tư tưởng cởi mở và thân thiện hơn.

 

9. Việc Trích Dẫn Không Cần Thiết: Để lập luận rằng Giáo Hoàng không có ý “phỉ báng” Phật giáo, Luật Sư trích dẫn lời nói của ông Toan Ánh và Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Sự trích dẫn này không phải là một “Affimative defense”, nên theo tôi, nó “irrelevant”. Tôi rất thất vọng khi đọc lời trích dẫn trong sách thay vì đưa ra những tài liệu, lời phát biểu hay việc làm để chứng minh như giám mục Colombo chuyển lời xin lỗi của Giáo Hoàng đến các vị sư Phật giáo phản đối và dọa tự thiêu về những điều viết ra trong sách của Giáo Hoàng chẳng hạn. Thí dụ như Giáo Hoàng tiếp và kết thân với Đức Đạt Lai Lạt Ma (được giải thưởng hòa bình Nobel, 1989, trong khi Giáo Hoàng John Paul II lại bị ám sát hụt nhiều lần) tại tòa thánh. Cái “defense strategy” của Luật Sư quá dở. Uy tín của Ông Toan Ánh và Thu Giang Nguyễn Duy Cần không đủ mạnh, so với uy tín của Giáo Hoàng. Tôi có thể cam kết Giáo Hoàng không cố ý “phỉ báng” Phật giáo. Ông được tín đồ coi là một bậc đại nhân, ông không thể có cái tâm của kẻ phàm phu. Đặt vấn đề “phỉ báng” ở đây là đặt sai vần đề (out of context). Nếu nói Giáo Hoàng không hiểu rõ triết lý Phật giáo thì đúng hơn, có lẽ vì ông quen với thần học hơn là triết học Đông Phương. Việc làm của Luật Sư Phổ có thể được hiểu là làm giảm uy tín của Giáo Hoàng. Nếu biết Zen Thinking (tức là suy nghĩ trong sáng, tinh tấn và trung thực) trước thì sự suy nghĩ của Luật Sư trong sáng hơn.

 

PHẦN II

10. Cây Thánh Giá và Cội Bồ Đề: Theo tôi nghĩ, hai hình ảnh huyền diệu nhất của nhân loại là cây Thánh Giá và Cội Bồ Đề. Chúa Giêsu Kitô sinh ra trong một hang đá lạnh lẽo. Ngày 1 tháng 3 năm 7 trước Kỷ Nguyên Thiên Chúa. Cái nôi của Ngài là một máng lừa. Ngài giảng đạo trong vài ba năm (tích cực nhất, khoảng vài tháng, theo Thánh Kinh và Dead Seas Scrolls tìm thấy năm 1947, 1949 và 1952), trong vùng đất cằn cỗi dưới áp lực đòi quy phục của người Do Thái. Rồi ngài bị đóng đinh trên thánh giá để chuộc tội cho tín đồ, ba ngày sau Ngài sống lại, và 40 ngày sau ngài về Nước Chúa ngồi bên tay phải của Đức Chúa Cha (theo Tân Ước). Một cái chết khủng khiếp, đau đớn cùng cực.

Từ lúc sinh ra cho tới khi chết, Ngài chịu những đau khổ tột cùng mà con người không thể chịu nổi, Ngài gánh lên vai tất cả tội Tổ Tông của tín đồ, từ thời Adam và Eve, để cứu rỗi và mang lại thương yêu cho tín đồ. Một cái chết bi thảm nhất, một cái chết cực kì cao quý. Tín đồ của Ngài phải tin điều này trước bất cứ điều gì, nếu Ngài không bị đóng đinh, nếu Ngài không sống lại, thì tất cả tín lý đều vô nghĩa, và tất nhiên chủ thuyết cứu rỗi sẽ sụp đổ (theo Tân Ước). Trọng điểm của thuyết cứu rỗi nằm ở đó. Nhưng gần đây các nhà nghiên cứu moi móc chứng tích khảo cổ không chứng minh được sự sống lại (xem bài “Scholars Cite Lack of Resurrection Evidence” đăng trên Los Angeles Times ngày 11 tháng 3, 1995, đọc cuốn Jesus and the Riddle of the Dead Sea Scrolls của giáo sư Barbana Thierning, và những tài liệu về Dead Sea Scrolls).

            Tất cả tín đồ KTG muốn được cứu rỗi chỉ có một con đường duy nhất là quỳ phục trước thánh giá. Chúa Giêsu Kitô sinh ra trong cảnh nghèo nàn, lạnh lẽo và chết thảm lơ lửng trên không. Âm thanh chát chúa của ba cây đinh trên thánh giá trên đỉnh Đồi Xọ và hình ảnh đầu của Ngài nghiêng sang một bên và máu tuôn ra từ thân thể Ngài và tiếng kêu vô vọng vẫn còn văng vẳng bên tai của tín đồ trong 2,000 năm nay: “Xin Chúa Đừng Bỏ Tôi”. Là nguồn cảm hứng cho việc sáng tác nghệ thuật tuyệt vời, điển hình như Christ On The Mount Of Olives của Beethoven (âm nhạc), The Cruxifixion của Peter Paul Rubens và Christ On The Cross của El Greco (hội hoạ), La Pieta của Michelangelo (điêu khắc),… và cũng là nền tảng cho đức tin của tín đồ. Ngài sẽ trở lại lần nữa (Second coming) vào Ngày Phán Xét (Judgement Day) để mang người sống cũng như người đã chết ra trước mặt Ngài phán xét, ban thưởng hay trừng phạt. Ngài vừa là người buộc tội (accuser), vừa là phán quan (judge).

 

11. Một hình ảnh trái ngược, trước Chúa Giêsu Kitô trên 5 thế kỷ, tại Phương Đông, Thái Tử Tất Đạt Đa, từ bỏ ngai vàng, cung điện, vợ đẹp con khôn, ngọc ngà châu báu, lạc thú ở đời, trốn khỏi cung ngà điện ngọc, theo đuổi một cuộc sống theo lối khổ tu, đi tìm chân lý cho những nổi khổ đau của chúng sinh. Ngài theo hết vị thầy này cho đến vị thầy khác để học đạo, nhưng vẫn không tìm ra chân lý. Một hôm Ngài quyết định ngồi dưới gốc cây bồ đề, tham thiền trong 49 ngày, có lúc Ngài quá yếu sức phải đương đầu với biết bao quấy phá, thử thách, nhưng tới ngày thứ 49, vào lúc sao mai vừa mọc, Ngài chứng được đạo quả Bồ Đề. Ngài đã “giác ngộ”, tìm thấy chân lý. Một cuộc tham thiền nhập định vô tiền khoáng hậu, từ đó nảy sinh ra Thiền Tôn. Sau khi giác ngộ một cảm giác tột cùng của chân lý, không còn một cái gì cao hơn nữa. Ngài truyền đạo gần nửa thế kỷ khắp nơi. Ngài không phải là một vị thần, vị thánh gì cả, Ngài chỉ là một Vị Đại Sư, chỉ dẫn cho tín đồ một triết lý sống thoát khỏi khổ đau (sinh, lão, bệnh, tử) để tới Niết Bàn. Sau Ngài, các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni được tín đồ gọi là Thầy, mà người thường gọi Ông Sư hay Bà  Sư, vì lý do đó.

 

12. Toàn bộ triết lý của Ngài chỉ gồm vẻn vẹn có 2 phần: Phần nhận định nỗi thống khổ của chúng sinh từ đâu mà ra và phương thức diệt trừ nguyên nhân của khổ đau (Tứ Diệu Đế) và phương châm hành động để đạt tới chân lý, hạnh phúc vĩnh cửu (Bát Chánh Đạo). Ngài là người lái đò đưa chúng sinh từ Bến Mê sang Bờ Đại Giác, tức là Niết Bàn. Niết Bàn là gì, nếu không phải là một trạng thái hạnh phúc vĩnh cửu, một trạng thái tâm linh trong sáng tột đỉnh, không có cái gì cao hơn nữa. Người đời tôn Ngài là Đấng Chí Tôn, Đấng Đại Giác, hay nôm na là Ông Phật, Ông Bụt. Mọi người hay nói rộng hơn chúng sinh, khi sinh ra đều có sẵn Phật tính. Ta chỉ cần phát triển Phật tính đó để thành Phật hay tính Giác Ngộ. Ai cũng có thể thành Phật. Trước Ngài đã có biết bao vị Phật, sau Ngài còn có nhiều vị Phật khác. Phật là gì? Phật có nhiều nghĩa: Tên vị khai sáng ra đạo Phật, và là một sự giác ngộ, thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, bể trầm luân u mê để đạt đến trạng thái hạnh phúc vô biên vĩnh cửu. Ngài chỉ cho nhân loại con đường đi, Ngài không phải là con đường, Ngài không “giải thoát” hộ cho ai, mà mỗi người tự “giải thoát” cho chính mình. Tín đồ quỳ gối dưới chân Ngài cũng vô ích, không thể thành Phật được.

 

13. Theo triết lý của Đấng Thích Ca, con người có tất cả tự do trong hành động của mình được nói tới trong Bát Chánh Đạo. Tạo nghiệp tốt, đạt quả tốt. Bát Chánh Đạo không phải là 8 giáo lệnh, 8 điều bắt buộc phải theo mà là những lời khuyên, là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống đạo đức, khổ đau do cái nghiệp xấu mà ta tạo ra, được ví như chiếc áo dơ bẩn tanh hôi ta đang mặc trên người. Ta ngồi cầu Phật, niệm Phật, cúng tiền vào Chùa, vào Tự mà vẫn mặc chiếc áo dơ bẩn tanh hôi đó, vẫn không tu thân, thì chẳng bao giờ “giác ngộ” được. Đức Phật chỉ cho ta cách cởi chiếc áo đó ra để cho thân thể được thanh tịnh, chân tâm được trong sáng, trí tuệ được tinh tấn như trí huệ Phật, ta mới thành Phật được. Cái triết lý cao thâm và vi diệu này được nhiều học giả Tây Phương sang Đông Phương nghiên cứu, học hỏi và mang về truyền bá cho mọi người. Đạo Phật xâm nhập vào Tây Phương không bằng con đường thuộc địa hay móc nối với chính quyền. Đạo Phật không có những đoàn truyền giáo đi sau đoàn quân viễn chinh. Mà du nhập vào Tây Phương qua mặt tư tưởng cao siêu, nói khác hơn Đạo Phật như một báu vật mang về từ Đông Phương.

 

14. Có lẽ vào thế kỷ 21, triết lý Đấng Thích Ca sẽ có một nền móng vô cùng vững vàng. Có “tám vạn pháp môn” giúp ta được “giải thoát”, tùy theo khả năng tu tập của mỗi cá nhân. Đạo Phật không đưa ra một tín lý chắc nịch, cứng nhắc, bắt buộc tín đồ phải theo. Nói khác hơn, có nhiều lộ trình khác nhau đưa ta đến “giải thoát”, tất nhiên cuộc hành trình không phải chỉ có “độc đạo”. Đạo Phật không bắt buộc, không gò bó tín đồ trong một khuôn mẫu hay tín lý cứng nhắc nào cả do Giáo hội từ trên đưa xuống. Theo hay không theo tùy ý mỗi cá nhân. Đạo Phật không có những tòa án tôn giáo hay tòa án dị giáo (như inquisition của tòa thánh Vatican) xét xử những ai nói trái với kinh điển nhà Phật. Trước khi tịch, Ngài truyền dạy tín đồ của Ngài có thể thay đổi kinh điển để thích nghi với việc truyền đạo. Nhưng sau 4 lần kết tập, kinh điển của Ngài không sửa một chữ và truyền lại trên 20 thế kỷ.

Đạo Phật chưa bao giờ, trong quá trình lịch sử trên 2,500 năm, và sẽ không bao giờ tịch biên tài sản, ngăn cấm không cho giữ những chức vụ công, lưu đày, cầm tù chung thân hay cột vào cây, chất củi đốt cho tới khi chết cháy nếu nói điều gì trái với giáo hội. Vì thế Đạo Phật còn gọi là Đạo Từ Bi. Ngay từ lúc khởi hành đi tìm đạo, ta cũng cảm thấy thoải mái, và đã cảm thấy hương vị “giải thoát”. Nam Tông, Bắc Tông hay tông phái Tây Tạng không chống đối nhau, chém giết nhau hàng chục năm, hàng trăm năm. Tất cả chỉ khác nhau ở cách tu luyện. Tại sao cách tu tập khác nhau, vì mỗi người có những khả năng tu hành khác nhau. Đức Phật đưa ra những phương thức khác nhau để hành giả tùy nghi áp dụng cho chính bản thân mình. Chúng ta hãy lấy một ví dụ. Ta đi từ điểm A đến điểm B, ta có thể đi bộ, ta có thể đi bằng xe hơi, đi bằng máy bay. Đấng Thích Ca chỉ cho ta cách sử dụng những phương tiện di chuyển khác nhau. Điểm A là Bến Mê, điểm B là bờ Đại Giác. Trong bộ Thiền Luận, Giáo sư Suzuki mở đầu bằng: “Thiền là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh, để đưa ta từ triền phược đến giải thoát”. Thiền là một trong những phương cách thực hiện một cuộc hành trình để tự “giải thoát” chính mình. Ta phải tự đi, Ông Phật không cõng ta trên vai. Triết lý Đấng Thích Ca chỉ là cái ngón tay chỉ cho ta thấy mặt trăng, đừng lầm ngón tay với mặt trăng; triết lý Đấng Thích Ca chỉ là con thuyền giúp ta sang sông. Nếu ta không tự chèo lấy, làm sao con thuyền có thể nhổ neo để sang bờ Đại Giác, con thuyền sẽ mãi mãi đậu tại Bến Mê. Chính vì phải tự tu thân tích đức nên Đạo Phật không phải là tôn giáo “yếm thế” hay “tiêu cực” mà ngược lại vô cùng “tích cực”. Việc gắn liền “tiêu cực” với Phật giáo là việc làm của kẻ vô minh.

 

PHẦN III

15. Thuyết Cứu Chuộc Mới: Luật sư Phạm Văn Phổ nói: “Tuy nhiên, theo thuyết cứu chuộc của Công Giáo, giai đoạn tu tập để đạt tới chỗ “Giác ngộ” chỉ là giai đoạn đầu của tiến trình của công cuộc cứu rỗi. Bởi vì sau khi đã đạt tới giai đoạn “giác ngộ” hoàn toàn, người tu tập phải tiến một bước xa hơn là kết hợp với Thiên Chúa, Ngài là Đấng Tạo Dựng cũng như là Đấng Cứu Rỗi qua việc áp dụng các nhân đức như lòng tin, lòng trông cậy hy vọng và đặc biệt lòng yêu thương, để không những cứu rỗi riêng mình còn cứu rỗi của nhân loại”. Tới đây tôi có cảm tưởng luật sư Phổ là một “doctor of the church” của Tòa Thánh Vatican xuất hiện vào hậu bán thế kỷ 20. Chắc Luật sư chưa rõ “doctor of the church” là gì, xin nói thêm: St Ambrose (340-??), St Jemore(345-420), St Augustine (396-430), Giáo Hoàng Gregory I (540-604), được mệnh danh là Gregory The Great, sau này có St Anselm (1033-1109), St Thomas Aquinas (1225-1274)… là những cột trụ thần học của Tòa Thánh.

Riêng học phái thần học gọi “giác ngộ” là giai đoạn đầu của tiến trình của công cuộc cứu rỗi, và sau đó đi xa hơn bước nữa để kết hợp với Thiên Chúa, chắc Giáo Hoàng chưa nghe thấy thuyết này của luật sư Phạm Văn Phổ, một thần học gia đầu tiên của Dân tộc Việt Nam. Người ta đọc cuốn Confessions City of God của St Augustine; cuốn Monologion, Proslogion của St Anslem, cuốn The Theory of Paranymy (bản dịch của D.P.Henry,1964) , St Anselm and His Crictics (của J.M.McEntyre,1954); cuốn Summa Theologiae On Being and Essence của St Thomas Aquinas không tìm thấy một chữ nào nói về thuyết cứu rỗi như luật sư Phổ thuyết giảng. Âu cũng là vinh hạnh lớn cho Con Cháu họ Hồng Bàng. Nhưng rất tiếc Đức Phật, Đấng Giác Ngộ, nhập Niết Bàn trước công nguyên hơn 5 thế kỷ, mà theo luật sư Phổ, mới tu xong giai đoạn đầu và không có hồng ân sống thêm vài thế kỷ nữa để được luật sư dẫn đến Thiên Chúa để Đức Phật được kết hợp với Thiên Chúa và được cứu rỗi. Thật là chủ quan! Thật tức cười! Khi nói “giác ngộ” là đã đạt tới mức tột cùng, còn gì có thêm chữ hoàn toàn nữa.

 

16. Thưa luật sư, nếu tôi không hiểu sai, bài viết của luật sư nhằm xoa dịu một vết thương “phỉ báng”, nhưng luật sư đã làm sai, chẳng khác nào có một đống rơm có thể cháy, đáng lý Luật sư cầm thùng nước dội vào cho nó tắt đi, đằng này Luật sư lại cầm lầm thùng dầu hôi đổ vào mồi lửa cho cháy to thêm. Thay vì chữa lửa, luật sư lại trở thành người tạo hỏa hoạn. Thay vì xoa dịu sự “phỉ báng”, lại làm việc “sỉ nhục”. Tôi buồn lắm. Xin mời Luật sư cùng tôi đặt ra một trường hợp giả tưởng, tôi nói giả tưởng thôi, một ông Sư, đầu trọc áo vuông, nói với mọi người là việc quỳ gối dưới Thánh Giá để được cứu rỗi mới chỉ là bước đầu tiên trên con đường đi đến “Giác ngộ”, rồi sau đó nhập Niết Bàn để ngồi bên cạnh Ông Phật. Luật sư nghĩ sao về trường hợp giả tưởng này? Đây là trường hợp bố láo phải không, thưa Luật sư? Thưa Luật sư, Luật sư nợ tín đồ Phật giáo (trong đó không có tôi), đang đi trên Phật lộ để đến “giác ngộ” một lời xin lỗi chân thành. Luật sư không làm buồn lòng Ông Phật vì Ngài là Đấng Đại Giác, với lòng từ bi và hỷ xả vô biên, Ngài đã đạt được tới tận cùng của chân lý rồi. Thật tội nghiệp cho những cụ già, tu hành, tụng kinh gỏ mõ hàng mấy chục năm, sắp tới ngày về Cõi Phật, được Luật sư nói chưa được, các cụ sắp sửa hoàn tất giai đoạn đầu thôi, con đường đi tới chân Thánh Giá còn xa lắm mới được kết hợp với Chúa và được cứu rỗi. Các cụ già sức đâu mà đi xa hơn nữa.

Tối hôm qua tôi nằm mơ thấy Đức Phật, Ngài có nhắn tôi gửi lời xin lỗi Luật sư vì không thể sống đến năm 1995 để chờ Luật sư cho biết Đức Phật còn đi một đoạn đường xa nữa mới được kết hợp với Thiên Chúa trước khi được cứu rỗi. Đức Phật nói Ngài đã “lỡ” chứng được Đạo Quả Bồ Đề và nhập Niết Bàn rồi vào lúc Ngài 80 tuổi. Sau gần nữa thế kỷ truyền đạo, Ngài không còn đủ sức để tu tập giai đoạn kế tiếp nữa. Xin Luật sư cảm phiền, và cũng xin luật sư chuyển lời cảm ơn Đấng Tạo Hóa đã ban cho Ngài hồng ân và cho phép Ngài khai sáng ra đạo Từ Bi, như Giáo Hoàng nói: “Như vậy, thay vì ngạc nhiên trước sự kiện là Đấng Toàn Năng đã phát sinh ra nhiều tôn giáo như vậy, chúng ta phải thích thú tìm thấy nơi các tôn giáo đó” (trang 82, Crossing the Threshold of Hope).

 

17. Thượng Đế có hay không: Chúa, Đấng Thượng Đế (God), Toàn Năng (The Almighty), Tuyệt Đối (The Absolute), ở khắp cả mọi nơi (omnipresent), quyền năng vô biên (omnipotent), toàn trí toàn thức (omniscient) sẽ cứu rỗi cho loài người. Tại sao? Vì loài người phạm tội. Cái tội này nó đi vào linh hồn (soul) chứ không phải thể xác (body) từ thời Adam và Eve. Thượng đế hiện hữu được các thần học gia biện minh qua nhiều cách. Thoạt đầu, Thượng Đế chỉ là một khái niệm vô hình của người Do Thái, sau này những nhà thần học tán rộng thành ra Thượng Đế của cả nhân loại. Rất tiếc trong thế chiến II, người “Giải thoát” nạn tập trung Auschwitz của Đức Quốc Xã không phải là Thiên Chúa mà là Hồng Quân của Liên Xô vô thần. Chúng ta hãy xem các nhà thần học lập luận về Thượng Đế:

1. Tiêu biểu nhất cho học phái chủ trương biện luận theo sự chấp thuận thông thường (common consent arguments, consengus gentium) là Richard Hooker (xem Treatise on the laws of Ecclesiastical Polity), được hỗ trợ bởi Cicero, Seneca, Clement of Alexandria, Herbert of Cherbury, Phái Plato của Cambridge, Gassendi và Grotius. Nhưng Hegel chống đối.

2. Tiêu biểu cho những người bênh vực cho học phái dựa vào Vũ trụ luận (cosmological arguments) gồm có Plato (xem The Laws), Aristote (xem Metaphysics), St Thomas Aquinas (xem Summa Theologiae), Locke (xem Essay on the Human Understanding), Descarters (xem The Third Meditation) và hầu hết những nhà thần học hiện đại của Giáo Hội La Mã. Nhóm này chủ trương mọi sự việc phải bắt nguồn từ một nguyên nhân đầu tiên (first cause). Mà nguyên nhân đệ nhất này là Thượng Đế. Trong số những người phê bình phải kể đến Hume, Kant và J.S.Mill.

3. Tiêu biểu cho lối lập luận dựa vào sự hoàn thiện của sự việc (degrees of perfection arguments) không ai khác hơn là St Thomas Aquinas. Trong lối lập luận “Ngũ Cách” hay “Ngũ Đạo” (Five Ways) trong bộ thần luận Summa theologiae, ông nói: “The fourth way is based on the gradation observed in things. Some things are found to be more good, more true, more noble, and so on, and other things less… Some thing therefore is the truest and the best and the most noble of things… And this we call God” (trích Summa Theologiae). Xin tạm dịch là: “Cách thứ tư được dựa vào sự sắp đặt theo mức độ gia tăng được quan sát thấy ở trong những sự việc. Người ta tìm thấy vài sự việc tốt lành hơn, đúng hơn, cao quý hơn… Vì thế một sự việc nào đó là sự việc đúng nhất và tốt nhất và cao quý nhất… Và chúng ta gọi sự việc này là Thượng Đế”.

4. Tiêu biểu cho nhóm đặt nền tảng lập luận dựa vào luân lý phải kể đến Kant và Hume. Kể từ Kant cho đến nay, có rất nhiều tư tưởng gia biện minh cho sự hiện diện của Thượng Đế lấy điểm tựa là kinh nghiệm đạo đức của con người (human moral experience), họ không đồng thuận với thần học tự nhiên cổ truyền (traditional natural theology). Họ lập luận phải có mệnh lệnh luân lý (moral commands), có người ra lệnh (moral commander), luật lệ luân lý (moral laws). Thượng Đế là người viết luật, ra lệnh thi hành và phán xét. Hai tư tưởng gia hỗ trợ mạnh nền tảng lập luận của Kant, mặc dù không đồng ý một vài phần, là W.R.Sorley (xem Moral Values and the Idea of GB) và A.E. Taylor (xem TheFaith of a Moralist).

5. Tiêu biểu nhất cho nhóm đặt nền tảng lập luận trên Bản thể luận (ontological arguments) là St Anselm (1033-1109) (xem Proslogion). St Anselm quan niệm Thượng Đế như sau: “Something that whis nothing greater can be conceived” (aliquid quo nihil maius cogitari possit). Xin tạm dịch là: “Một cái gì không có một cái gì lớn lao hơn có thể nhận thức được” (Proslogion 2). Trước đó 7 thế kỷ, St Augustine (Aurelius Augustinus) đã định nghĩa Thượng Đế là một cái gì “không có ai trên cao hơn được” (… “than whom there is nothing superior”) và ông nói tiếp: “anh phải tin tưởng để anh hiểu; nếu anh không tin, anh không hiểu được” (“Believe in order that you understand; unless you shall believe, you shall not understand” (xem Confessions và City of God).

6. Lập luận thông thường (popular arguments): chúng ta được dạy là phải tin. Tín ngưỡng đồng nghĩa với đức tin và phản nghĩa với lý luận. Vũ trụ chứa đựng những điều khó hiểu, không thể biết (unknowable). Người ta giải thích những điều này là Thượng Đế, vì Thượng Đế hiện hữu.

7. Lập luận dựa vào Mục đích luận về vạn vật (teleological arguments). Đại diện cho nhóm người bênh vực cho lập luận này là William Paley (xem Natural Theology). Căn cứ vào sự cấu tạo và vận hành các bộ phận của cơ thể con người, sinh vật, hay vạn vật, người ta tin có một bàn tay nào sắp xếp, phác hoạ, tức là phải có một “designer”, tức là Thượng Đế. Người biện minh hùng hồn nhất phải kể đến F.R. Tennant (xem Philosophical Theology), được hỗ trợ bởi Ralph Cudworth (xem True Intellectual Systems of the Universe), Robert Boyle (xem The Excellence and Grounds of the Mechanical Philosophy), Robert Hooke (xem Micrographia), John Ray (xem The Wisdom of God Manifested in the Works of Creation) Nhưng người phê bình là David Hume (xem Dialogues Concerning Natural Religion). Thuyết tiến hóa (evolution) của Darwin (1809 – 1882) làm lung lay lối lập luận của nhóm này (xem Natural Selection, Origin of Species The Descent of Man). Bản thể luận (ontology), Vũ trụ luận (cosmology) và Mục đích luận (teleology) là 3 cột trụ của sự tranh biện có sự hiện diện của Thượng Đế.

8. Lập luận trên khía cạnh tôn giáo (religious arguments): người sáng tạo ra vũ trụ là những siêu hình thể dưới nhãn quan của tôn giáo đó. Phật giáo và Kitô Giáo có quan niệm về vũ trụ khác nhau. Phật giáo có duyên khởi và nhân duyên, Thiên Chúa Giáo có Thiên Chúa. Ta không thể so sánh, luận bàn. Bởi vì Tạo Vật Chủ hay Đấng Tạo Hóa (The Creator) không thể biết được (The Unknowable). Không có đúng và không có sai, chỉ có sự “tin”. Nếu sự “tin” được gạt sang một bên, người giải thích vũ trụ là nhà khoa học. Cho tới giờ này khoa học gia chưa có đầy đủ dữ kiện để giải thích. Vì thế sự “tin” vẫn có giá trị.

 

17. Trở về với quan niệm về vũ trụ của Phật giáo. Phật giáo không quan niệm vũ trụ vạn vật do một đấng nào tạo ra cả, vì thế không quan niệm có Thượng Đế, tạo vật chủ (creator). Vũ trụ vạn vật sinh ra dựa vào 2 lập luận: Thật tướng luận và Duyên khởi luận. Trước khi đi vào 2 lối lập luận này, ta phải xét lối lập luận trong triết lý Đấng Thích Ca, dualistic reasoning, lối lập luận song nguyên. Thí dụ: A là A mà cũng chẳng phải A, B là B mà cũng chẳng phải B. A và B nương tựa nhau mà có. A sinh ra B, B sinh ra A. Chỉ có A khi nào có B, chỉ có B khi có A. A và B phải luôn luôn đi với nhau. Anh A cao 1 thước, anh B cao 1 thước 50. Ta không thể nói A là thấp nếu không có B. B không thể nói là cao nếu không có A. A thấp, B cao vì cả hai nương tựa vào nhau mà thành “thấp” hay “cao”. Nếu A hay B đứng riêng, không có sự việc “thấp, cao”. Tất cả đều là tương đối, “thấp” và “cao” do cảm quan (perception). Ngôn ngữ lập luận của Phật giáo như sau: A thấp, mà cũng chẳng phải thấp. Mới nghe có vẻ như “gàn dở”. Nhưng thực ra không phải như vậy. Cái quan niệm “có, không”, “thật, hư”, “thường trụ, bất biến”, “sanh, diệt”, “vô thỉ, vô chung”… nằm trong lối lập luận này. Cho nên khi nhận định tư tưởng Phật giáo ta phải đi đứng trên ngôn từ, dùng trực nhận, vận dụng trí tuệ tối đa. Trực nhận là một trình độ trí tuệ cao siêu, người bình thường không thể có vì người ta cứ bận rộn với “ngôn từ” nên không tìm ra “ý”. Triết lý Phật giáo nặng về “ý”, nhẹ về “ngôn từ”.

 

A. Thật Tướng Luận: Thật thể, thật tướng hay chân như là chân thật, không giả dối, không biến đổi, không sanh diệt, không còn mất, vô thỉ – vô chung. Cái Chân Như đó, Phật giáo còn gọi là Chân Tâm, Viên Giác, Thắng Nghĩa, Giác Tánh, Phật Tánh, Như Như, Nhất Như… Muốn hiểu được thật tướng phải dùng trực nhận, không bằng ngôn từ để có thể “thể nhập” hay “thể chứng”. Ngôn ngữ dùng để diễn tả hiện tượng giới. Mà đã nói đến hiện tượng giới thì phải có giới hạn vì hiện tượng giới nằm trong cảm quan của ta, không thể dùng để diễn tả sự việc vượt không gian và thời gian. Vũ trụ vô thỉ, vô chung, nghĩa là không có khởi đầu và cũng không có kết thúc. Khởi đầu từ vô thỉ chạy thẳng xuống vô chung. Vì thế Phật giáo quan niệm vũ trụ vạn vật không do một đấng nào có quyền năng vô biên (omnipotent) tạo ra cả. Nếu nói có đấng sáng tạo tức là ta nói có điểm khởi đầu, tức là cái
“thỉ”. Đã quan niệm là “vô thỉ, vô chung” thì còn làm gì có đấng tạo hóa hay thượng đế nữa. Không có nguyên đệ nhất (first cause, designer, creator…) thì tất nhiên chẳng có Thượng Đế. Diễn tả sự việc này bằng ngôn từ, tức là có sự giới hạn trong sự diễn tả. Phải dùng trực nhận để hiểu biết vấn đề. Henri Bergson giúp ta thêm để hiểu thế nào là trực nhận (intuition, immediate apprehension). Nghiên cứu thuyết “entropy” để biết sự biến dạng (transformation) và thật thể biến hiện của vũ trụ.

 

B. Duyên Khởi Luận: là những lý thuyết nói về nguyên nhân hay lý do sanh khởi của hiện tượng giới. Có 5 thuyết trong Duyên Khởi Luận: Nghiệp Cảm, A Lại Đa Thức, Chân Như, Lục Đại và Pháp giới.

1. Nghiệp Cảm: thuyết này rút tỉa từ Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên. Cái nghiệp nó tạo ra thân ta và y báo tức là sơn hà đại địa. Nghiệp biến đổi, quả cũng biến đổi. Nghiệp cảm làm sao thì cảm thọ cái thân và cảnh giới như thế. Dứt trừ được nghiệp báo là trở về với Chân Như, tức là đã Giác Ngộ.

2. A Lại Đa Thức: Trong nghiệp cảm duyên khởi có 6 thức (nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý). Đại thừa thỉ giáo (Duy Thức) tìm thêm 2 thức nữa, Mạt Na Thức và A Lại Đa Thức. Mạt Na Thức là nhận biết có cái ngã, và giữ gìn cái ngã ấy. Nhưng làm sao giữ được cái ngã ấy trong khi ngũ uẩn và lục thức đều sanh diệt vô thường, hợp lý mãi mã. Vậy ta phải cần có một thức khác để ngăn chặn sanh diệt vô thường, hợp lý mãi mãi. Lấy thí dụ ta muốn giữ đồ ăn lâu ngày. Nhưng với tác dụng của môi sinh, các phản ứng hóa học (chemical reaction) trong đồ ăn xảy ra, đồ ăn sẽ hư thối. Giải quyết vấn đề hư thối, ta bỏ vào tủ lạnh (deep freezer), các phản ứng hóa học đình chỉ, thức ăn không hư thối. Cái deep freezer này là thức thứ 8, tức là A Lại Đa Thức hay Tạng Thức. A Lại Đa Thức hằng khởi, thường tại, chùm chứa tất cả chủng tử của các pháp nên A Lại Đa Thức, thức thứ 8, phát hiện được hết năng lực vô hạn của vạn tượng.

Tóm lại A Lại Đa Thức là cái căn bản của hiện tượng giới. Hiện tượng do chủng tử các pháp mà phát hiện. Nói khác hơn chủng tử cùng hiện tượng, nhân quả lẫn nhau mãi mãi, được kích thích sinh ra duyên mới. Từ đó làm cho hiển hiện vạn hữu và là nền móng qua bao nhiêu kiếp nhân quả luân hồi, đồng thời cũng là căn nguyên của giải thoát, bởi lẽ trong A Lại Đa Thức có đủ cả chủng tử hữu lậu lẫn chủng tử vô lậu. Chủng tử hữu lậu là hạt giống sinh ra thiên sai vạn biệt của hiện tượng giới; còn chủng tử vô lậu cho biết ngoại giới có hư vọng. Bởi thế, đừng để cho tâm vọng động để có thể đưa đến giải thoát. Từ đó ta thấy, toàn bộ tiến trình giải thoát không có sự hiện diện của Phật, của Chúa, của Thượng Đế… mà chỉ có cái tâm của ta. Nỗ lực của người tu hành là kìm hãm cái tâm không cho vọng động thì mới nhìn thấy con đường giải thoát. Nếu nói giải thoát hoàn toàn rồi mới đến gần thánh giá để kết hợp với Chúa để được cứu rỗi là bố láo. Nói xàm.

3. Chân Như: sinh ra vạn pháp, hay nhất thiết duy tâm tạo. Tâm động là cánh cửa của sanh diệt. Tâm tịnh là cánh cửa của Chân Như. Chân Như bất biến, thường trụ, nhưng vô minh làm cho vọng động. Vô minh là vọng niệm, từ cái vọng niệm này có chủ quan, khách quan, tự ngã, phi ngã, vũ trụ và vạn hữu. Chúng sinh vì vô minh nên chỉ thấy có vạn tượng giới, diệt trừ vô minh là thấy được Chân Như. Tâm gồm có vạn tượng và Chân Như. Động là vạn tượng, Tịnh là Chân Như. Từ tịnh sang động phát hiện vũ trụ vạn hữu, từ động sang tịnh phát hiện Chân Như. Chẳng có Phật, Chúa hay Thượng Đế nào giúp người tu hành vứt bỏ cái vọng tâm mà chỉ do chính người tu hành mà thôi. Đó là điểm khởi hành đưa ta đến giải thoát.

4. Lục Đại: là địa (earth), thủy (water), hỏa (fire), phong (wind, air), không (space) và thức (vijnana, understanding, conscience). Năm “đại” trước thuộc về sắc pháp, vạn vật. “Đại” thứ 6 thuộc về tâm (mind). Sự dung thông, ngăn ngại, tác động (intereact, intercorrelate) với nhau sinh ra vũ trụ vạn vật. Vật là hình tướng (form), tâm là lực động (gorce, moving cause). Hai thể này không thể lìa nhau, tương phản, tương hợp với nhau. Lìa hiện tượng không có thật thể, lìa vật không có lý tánh. Giải thoát là phân biệt được Chân Như và Hiện Tượng. Sự nhận biết, phân biệt hoàn toàn do nỗ lực cá nhân. Sự hiện diện của Thượng Đế chẳng có can dự gì cả.

5. Pháp Giới: vũ trụ vạn hữu là kết quả của sự dung thông giữa các pháp. Pháp này dung thông pháp kia, cùng nhau làm duyên khởi, nên gọi là “vô tận duyên khởi” hay “trùng trùng duyên khởi”. Như thế vũ trụ vạn hữu là một cuộc hoạt động không ngừng của hiện tượng, từ vô thỉ đến vô chung, nối tiếp nhau, tràn lan vô tận, như những đợt sóng biển. Nếu hoạt động ngừng thì không có vạn tượng, không có vũ trụ.

 

19. Có người hỏi vũ trụ luận của Phật giáo là gì, sao có nghiệp cảm rồi lại có duyên khởi, mà duyên khởi lại có những 5 thuyết khác nhau? Rắc rối quá, lẫn lộn quá, chống đối nhau? Không và hoàn toàn không. Tất cả đều giống nhau chỉ khác rộng và hẹp, nông và sâu. Tùy theo khả năng nhận thức hay khả năng trực nhận của mỗi người. Triết lý Đấng Thích Ca là một nhưng có nhiều cách khác nhau trong lối diễn tả để thích nghi với mỗi hành giả. Thí dụ gạo nấu thành cơm hay cháo. Cơm cho người muốn ăn cơm, cháo cho những ai muốn ăn cháo. Cơm và cháo cũng đều là gạo cả. Như trên tôi đã nói, muốn hiểu cái triết lý của Đấng Thích Ca ta phải làm quen với lối suy luận trong Phật giáo thì sự hiểu biết sẽ rõ ràng hơn. Tiểu Thừa, Đại Thừa hay Kim Cương Thừa, tùy nghi, chọn cách diễn tả vũ trụ luận theo sở thích. Nhưng tất cả không ra ngoài căn bản triết lý của Đức Phật.

 

20. Để bổ túc cho việc nhận thức, ta phải biết thêm cái rộng lớn của không gian và thời gian trong Phật giáo. Mất đi sự nhận thức về không gian và thời gian vô tận thì không thể hiểu nổi vũ trụ quan của Phật giáo. Plato, Aristote, Zeno, Newton, Euclid, Locke, Pascal, Minkowski, McTaggart, Kant, Caird, Borel, Einstein,… sẽ giúp ta rất nhiều để làm quen với không gian và thời gian. Phạm vi bài báo không cho phép khai triển ý niệm về không gian và thời gian.

Đọc Trung Luận của Ngài Bồ Đề Long Thọ, đối với các bậc đại thừa, thật tướng hay duyên khởi cũng không còn nữa. Cái “quán” của Trung Luận chỉ có bậc đại trí giả mới có thể hiểu nổi.

 

21. Đọc Avesta, Tân Ước Cựu Ước ta thấy có quá nhiều điều giống nhau. Có người nói, Thánh Kinh cóp nhặt từ Zoroaster. Đạo của Zoroaster và Ấn Độ Giáo có nhiều điểm tương đương, vì thế có học giả cho rằng trong 16 năm vắng mặt của Chúa Giêsu Kitô, không được Tân Ước nhắc tới, là thời gian Chúa Giêsu Kitô sang Đông Phương học đạo và có thời kỳ Ngài là một vị tăng Phật giáo (xin đọc The Lost Years of Jesus Christ The Lost Teachings of Jesus Christ của Elizabeth Clare Prophet, và Jesus in India của Holger Kersten, The Lost Years of Jesus Revealed của Dr. Charles Francis Potter). Không một người Việt Nam nào lại biết Nữ Thần Tự Do, Nike (giầy thể thao) là tên một vị thần, hỏa tiễn Poseidon, Titans, phi thuyền Apollo, xe hơi hiệu Saturn, các địa danh Arcadia, Memphis, Ithaca, Philadelphia (Philae + Delphi), Atlanta (nơi sẽ tổ chức Thế Vận Hội 1996), Carthage, Atlas, Palladium, Orion, dầu thơm Clio, Diana, Anteus, Bacchus, Aramis, Xeyrius,… tiệm bán hoa Flora, điệu nhạc Calypso, banh Giants… đều là tên của những vị thần. Thậm chí một sòng bài lớn ở Las Vegas cũng lấy tên một vị thần Excalibur. Ngày thứ ba (Tuesday) tên thần Tyr, thứ tư (Wednesday) tên thần Woden hay Odin, thứ năm (Thursday) tên thần Thor, ngày thứ sáu (Friday) tên thần Frey…

Cuộc sống của chúng ta bao vây bởi nhiều, không phải một vị thần, vị thánh. Người ta tin có thần có thánh. Đã là đức tin, không bàn cãi, không có gì sai trái cả. Nếu bảo đức tin của mình là một “universal truth” thì khoa học gia sẽ lên tiếng và tri thức của con người sẽ nổi dậy. Đức Phật Thích Ca đứng ngoài. Ngài không bao giờ cho mình là thần hay là thánh hay Thượng Đế, Ngài chỉ là một ông thầy giáo, một Đại Sư mà thôi, để giảng dạy luân lý qua hệ thống triết học của Ngài.

Mới đây Richard Dawkins trong cuốn River Out Of Eden: A Darwinian View of Life, ông đưa ra vấn đề có hay không có Thượng Đế, cần hay không cần có Thượng Đế, và ưu thế của khoa học đối với siêu hình học. Ông nói: “After Darwin, there is no need for God”. Xin tạm dịch: “Sau Darwin, không cần có Thượng Đế nữa”. Để hiểu biết thêm về Thượng Đế, nên đọc Power of Myth của Joseph Campbell và Bill Moyers, History of God của Karen Armstrong, The Story of Civilization (11 cuốn) của sử gia Will Durant, A Study of History (12 cuốn) của sử gia hoàng gia Anh Quốc Arnold Toynbee, và The Larousse Encyclopedia of Mythology (Barnes & Noble xuất bản).

Thượng Đế là một ý niệm siêu hình, lời nói của Thượng Đế có tính cách biểu tượng. Nếu coi Thượng Đế như là một nhân vật có nhân tính và lời nói của Thượng Đế là ngôn ngữ của xã hội, luật pháp loài người, tức là ta đưa Thượng Đế đến trước mặt khoa học gia. Ta cứ để Thượng Đế ở vị trí “Unprovable” và “Unknowable”. Ta cứ để Thượng đế đứng gần cái “Why” còn khoa học gia coi phần “How” là tốt nhất. Chắc luật sư Phạm Văn Phổ đồng ý. Người Do Thái chỉ tin có một Thượng Đế của người Do Thái thành ra Thượng Đế của cả nhân loại theo chủ quan tính của họ. Đi xa hơn nữa họ bắt cả thế giới tin Thượng Đế là có thật như một sự thật đã được kiểm chứng. Họ cố tình lầm lẫn giữa “perception” và “conception”.

 

22. Chủ thuyết Tội Tổ Tông (Father’s sins): tội lỗi, theo Thánh Kinh, được nối tiếp từ ông Adam, xâm nhập linh hồn con người, con cháu của ông ta. Có tội phải chuộc (redemption), xin cứu rỗi (salvation) hay bị đày xuống địa ngục (damnation) do nơi Chúa. Chúng ta thường nghe người Mỹ nói “God Damned!” là như vậy. Chúng ta hãy lắng nghe St Augustine. Ông dạy rằng Adam có toàn quyền hành xử mọi hành động của mình (free will), ông có thể kiềm chế để không phạm tội. Nhưng ông Adam đã phạm tội vì bà Eva đã ăn trái táo trên cây cấm, thay vì ăn trái táo trên cây nhân sinh. Ăn xong hai người mới thấy xấu hổ (mắc cỡ) là mình trần truồng, họ chạy trốn ra khỏi Vườn Địa Đàng và lấy lá cây che các bộ phận sinh dục lại. Trái cấm là sự hiểu biết. Chúa cấm không được biết, vẫn làm là phạm tội (máy điện tử Apple lấy logo là một trái táo đã cắn một miếng). Chỉ có Chúa mới có thể ban ân sủng, tha tội.

Tội do Adam và Eva phạm, còn lưu truyền từ đời này sang đời khác cho đến ngày hôm nay. Trẻ em sơ sanh cũng có tội, mặc dù còn chưa biết cầm bình sữa, nếu chưa chịu phép rửa tội. Luật gia đặt vấn đề Insanity in Canon Law. Trẻ em quá nhỏ, hay bị tàn tật, không có thể bị “kết án”, mặc dù trên khía cạnh tôn giáo. Xin luật sư nghiên cứu thêm về điểm pháp lý này. Tội của loài người nằm trong linh hồn, không nằm trong thể xác (theo Thánh Paul). Nếu ai chết chưa chịu phép rửa tội (unbaptized) sẽ bị đày đọa mãi mãi (damnation). Nhưng nếu đã chịu phép rửa tội, Chúa sẽ đưa lên Thiên Đàng. “Damnation” là công lý của Chúa, “Salvation” là ân sủng của Chúa. Cả hai đều là điều tốt lành (goodness) của Chúa (?). Nhưng thần thuyết của St Augustine bị Morgan (tên Hy Lạp là Pelagius) bác bỏ kịch liệt. Pelagius quan niệm con người có toàn quyền hành xử hành động của mình theo ý muốn (free will), nếu con người làm đúng theo luân lý, nếu không có “criminal intent”, ý định phạm tội ác, con người sẽ được tưởng thưởng cho lên Thiên Đàng. Nhưng Bertrand Russell gọi chủ thuyết này là chủ thuyết hung ác, ferocious doctrine (A History of Western Civilization, trang 365).

Để diễn tả con người thánh thiện trước khi phạm tội, tất cả người mẫu trong họa phẩm của Michelangelo vẽ ở nhà thờ St Sistine (Tòa thánh Vatican) đều trần truồng, các bộ phận sinh dục được vẽ đầy đủ, cũng như Adam và Eva trước khi ăn trái cấm (ngoại trừ Thiên Chúa trong họa phẩm The Creation). Theo Thánh Kinh, Chúa Giêsu Kitô, được Đấng Chúa Cha sai xuống sống với loài người (Incarnation), chịu đóng đinh trên thánh giá (Crucifixion) để chuộc tội (Redemption) cho loài người. Chuộc tội cho loài người xong, Ngài sống lại (Resurrection) và Ngài lên Nước Thiên Đàng (Kingdom of Heaven) ngồi bên tay phải của Đấng Chúa Cha.

 

23. Giác Ngộ: toàn bộ nền tảng triết lý của Đấng Thích Ca đặt trên hai cột trụ “Tứ Diệu Đế” và “Bát Chánh Đạo”.

A. Tứ Diệu Đế: “Tứ” là 4, “Diệu” là đẹp, quý báu, hoàn toàn, “Đế” là sự thật chắc chắn, rõ ràng đúng đắn nhất, chữ Phạn là Ariya Saccani. Có chỗ gọi là “Tứ Thánh Đế”. Bốn đế đó là:

(1) Khổ Đế: nhận định sinh, lão, bệnh, tử là một bể khổ mênh mông;

(2) Tập Đế: nói đến nguyên nhân của khổ đau (sinh, lão, bệnh, tử);

(3) Diệt Đế: kết quả của sự diệt trừ những khổ đau hay tát cạn biển khổ này;

(4) Đạo Đế: phương pháp tu hành để diệt khổ và sống hạnh phúc vĩnh cửu.

Cái “khổ” ở đây phải hiểu là cái nghiệp xấu tạo ra. Nếu nghiệp tốt, quả tốt, chẳng có gì là “khổ” cả. Tứ Diệu Đế là bài giảng đầu tiên của Đức Phật tại Benares.

Mẹ Teresa đi khắp nơi này đến nơi khác xoa dịu khổ đau cho những người bất hạnh. Phải chăng Mẹ Teresa đã nhận thức thấy nhân loại đầy rẫy khổ đau và biển khổ phải được tát cạn. Nhưng rất tiếc, phần đông nói Phật giáo là yếm thế vì chỉ biết có khổ đế mà quên mất 3 đế kia nữa.

B. Bát Chánh Đạo: hay Bát Thánh Đạo, nghĩa là 8 con đường ngay thẳng hay 8 phương tiện mầu nhiệm đưa con người từ trạng thái “u mê” đến “giác ngộ” sống trong hạnh phúc vĩnh cửu. Bát Chánh Đạo:

1. Chánh Kiến: nhận biết một cách ngay thẳng, công minh;

2. Chánh Tư Duy: suy nghĩ, nghiệm xét chân chính, đúng với lẽ phải;

3. Chánh Ngữ: lời nói chân thật, công bình, hợp lý;

4. Chánh Nghiệp: hành động chân chính, hợp với chân lý, lợi ích cho chúng sinh (người và muôn vật).

5. Chánh Mạng: sống lương thiện, trong sạch, ngay thật, công bằng, từ bi;

6. Chánh Tinh Tấn: chuyên cần, siêng năng, lấy chánh trí làm mãnh lực, lấy Niết Bàn làm chỗ quy hướng;

7. Chánh Niệm: ghi nhớ những điều hay lẽ phải, lợi cho mình cho người;

8. Chánh Định: tập trung tư tưởng vào hành động và suy nghĩ chín chắn, trung thực.

“Tứ Diệu Đế” và “Bát Chánh Đạo” có thể ví như “Tri” và “Hành”. Tri cho sáng suốt, Hành cho đúng đắn để đi đến “giải thoát”. “Tứ Diệu Đế” và “Bát Chánh Đạo” là khuôn mẫu đạo lý của Phật giáo. Tuyệt nhiên không nói đến “tội tổ tông”, không nói đến “chuộc tội”, phải quỳ dưới chân Phật để được “cứu rỗi”. Tuyệt nhiên không ở trên “cứu rỗi”, không ở dưới “cứu rỗi” mà cũng chẳng liên hệ gì đến “cứu rỗi”, thế mà Luật sư Phạm Văn Phổ nói rằng “giải thoát hoàn toàn” chỉ là giai đoạn đầu của tiến trình cứu rỗi để kết hợp với Thiên Chúa để được cứu rỗi”.

Theo triết lý Đấng Thích Ca, ta làm hay (nghiệp tốt) ta hưởng, ta làm sai trái (nghiệp xấu) ta sửa chữa, tu tập để được giác ngộ. Phật, Chúa Giêsu Kitô hay Thiên Chúa không giải thoát cho ta được. Ta phải tự làm lấy, vậy thì kết hợp với Thiên Chúa để làm gì? Quỳ dưới thánh giá để làm gì? Lập luận của Luật sư Phổ có tính cách vơ vào, chủ quan. Vơ vào vì nghĩ rằng đạo của mình là nhất, là một tổng thể, những đạo lý của người khác chỉ là một vi thể. Chủ quan vì ý niệm Thượng Đế là một sự thật hiển nhiên. Đạo Phật mới là đạo không yếm thế, KTG mới là đạo yếm thế, ỷ lại. Chỉ có đức tin nơi Chúa là xong hết. Con người chẳng cần tạo một nỗ lực nào để có một đời sống đạo đức. Cô Mary Magdalene là một người đàn bà mất nết, các tông đồ rất khó chịu khi thấy cô ta quá gần gũi với Chúa Giêsu, rửa chân cho Chúa và tin nơi Chúa. Chúa chấp nhận Mary Magdalene vì cô có đức tin nơi Chúa. Trái lại, nếu một Phật tử chỉ tin có Đức Phật, nhưng không tu thân để tạo nghiệp tốt thì đức tin nơi Đức Phật không giải thoát cho ta được. Thiện nghiệp mới là điều đáng nói, đức tin chẳng có nghĩa gì cả.

 

24. Phật giáo tiêu cực hay không? Luật sư viết: “Đối với tính cách “tiêu cực” của “thuyết cứu rỗi” (thuyết này không có) của Phật giáo, có lẽ nhận định của Giáo Hoàng đã dựa trên chủ trương của môn phái Tiểu Thừa nhiều hơn. Bởi vì trong khi phái Tiểu Thừa có cái nhìn “Tiêu Cực” về thế giới thì trái lại phái Đại Thừa lại nhìn thế giới với thái độ “tích cực” hơn”.

Trong lúc giải kinh Đại Thừa tại Rajagriba (tại Trung Ấn Độ) cho các vị Tỳ Kheo và Bồ Tát, Đức Phật nói những điều Ngài giảng chưa thích hợp với thời hiện tại, phải 400 năm sau thì người ta mới hiểu nổi những gì Ngài giảng. Ngài tin tưởng vào một vị môn đệ là Naga sẽ giảng giải kinh của Ngài cho hậu thế. Bốn trăm năm sau, Ngài Bồ Tát Long Thọ (Nagarjuna) soạn bộ Trung Luận (1 trong 3 bộ: Trung Luận, Bách Luận hay Bá Luận và Thập Nhị Môn Luận, bộ luận tập tôn của Tam Luận Tôn). Đại thừa không chủ trương chỉ giải phóng cá nhân (individual liberation) mà còn chan chứa vị tha (altruism), ẩn tàng trong các kinh điển của Đại Thừa (Xin đọc Treasure Teaching của giáo sư Robert Thurman, khoa trưởng Religion Department tại đại học Columbia).

 

25. Luật sư có biết hiện giờ có bao nhiêu vị tăng đang hàng ngày xả thân vào trại cùi ở Việt Nam không? Tôi sẽ hãnh diện chiếu cho Luật sư coi một cuốn phim video cho thấy các vị tăng Phật giáo hoạt động xã hội trong trại cùi. CSVN thấy vị tăng này có uy tín, họ ngăn cấm sư hoạt động, bệnh nhân cùi ra đường phản đối. Nhà cầm quyền CSVN sợ và phải chịu thua. Mọi hoạt động trở lại bình thường. Cuộn video có sẵn, Luật sư xem lúc nào cũng được. Vậy thì “tiêu cực” ở chỗ nào? Đây là một vị tăng áo vàng, tức thuộc Tiểu Thừa.

 

26. Sau gần nửa thế kỷ, không phải 40 tháng hay 40 ngày, Đức Phật ở trần thế để truyền đạo kể từ ngày tìm thấy chân lý dưới cội bồ đề. Nếu Đức Phật “tiêu cực” thì chắc hẳn không còn muốn sống thêm gần nữa thế kỷ nữa. Thánh kinh nói, 3 ngày sau khi bị đóng đinh trên thánh giá, chúa Giêsu sống lại và 40 ngày sau bỏ thế gian trở về nước Chúa. Tới đây ai cũng thấy Đức Phật “tiêu cực” hay “tích cực”? Trước khi tịch ngài ngọa thiền nằm nghiêng phía bên phải, đầu hướng về phương Bắc, mặt quay về hướng Tây, trong một tư thế vô cùng vững vàng và thoải mái. Các môn đệ, muôn loài chim muông và thú rừng cũng ở quanh Ngài, rồi Ngài ra đi một cách nhẹ nhàng và thánh thiện. Cái thế nằm như vậy thật vững vàng, nên sau khi Ngài nhập Niết Bàn, đạo của Ngài không gặp sóng gió. Đạo của Ngài có thể phát triển bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào. Tăng chúng và Phật Tử noi gương đức từ bi của Ngài nên có thể hòa đồng với bất cứ tôn giáo nào. Tất cả mọi người có thể đến với Ngài và học hỏi ở nơi Ngài những triết lý cao thâm huyền diệu từ trái tim của họ. “Phật tại tâm” là như vậy.

 

27. Tất cả hành vi, lời nói, suy nghĩ tốt lành phải xuất phát từ cái “tâm”. Người nào tu Đạo Phật phải biết diệt trừ “vọng tâm” đó để biến cái vọng tâm đó thành “tâm Phật”. Nếu đã biết tu tập để đạt được “Tâm Phật”, thì “tiêu cực” chỉ là “lộng ngữ”. Theo Luật sư, Tiểu Thừa là tiêu cực, Đại Thừa là tích cực, còn Tông Phái Tây tạng thì sao? Chắc cả hai phải không? Hồi bé tôi đi xe lửa, tôi thấy cây cối và cột đèn chạy từ đằng trước ra đằng sau. Tôi thấy mặt trời chuyển động, trái đất đứng yên một chỗ, cũng như trái đất quay quanh mặt trời, trái đất không đứng yên. Cái nhìn của Luật sư về Phật giáo là cái nhìn của trẻ thơ ngồi xe lửa hay như Tòa Thánh nhìn mặt trời. Vô minh gây phiền não là như vậy. Phật giáo không nói tiêu cực hay tích cực, chỉ có vô minh hay giác ngộ, chỉ có tinh tấn hay không tinh tấn, chỉ có rốt ráo hay không rốt ráo…

 

28. Cũng như có người gọi Phật giáo là “vô thần” và gọi Cộng Sản cũng là “vô thần”. Đặt vấn đề “vô thần” hay “hữu thần” với Phật giáo là “out of context”. Trong cuốn The Contempolary Status of Atheism, Jean-Marie Le Blonde viết: “… life without God need not be bestial, unintelligent, or immoral, atheism can be serene and deeply human”, xin tạm dịch là “… đời sống không có Thượng Đế không nhất thiết phải là đầy thú tính, thiếu thông minh và vô luân, vô thần có thể là trong sáng và thật đầy nhân tính”. Người ta vẫn lạm dụng chữ “vô thần” để sỉ nhục những người nào không ở trong cái cộng đồng chấp nhận không có Thượng Đế. Tại Pháp cho tới thời Cách Mạng 1789, người nào viết, ấn loát những tài liệu có tính cách vô thần bị truy tố như là theo tà giáo. Khi đó Inquisition ra tay trừng phạt. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, 18 đời vua Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Huệ… là những người không theo Kitô Giáo. Các anh hùng liệt nữ đó là “vô thần” đấy, các vị này là Cộng Sản ư? Là đáng khinh bỉ ư? Việc gán chữ “vô thần” cho Phật giáo chắc chắn không phải là sự biểu lộ sự thân hữu hay tương kính. Giáo Hoàng Paul VI trong thông điệp Ecclesiam Suam đã có cái nhìn khác về những người không chủ trương có Thượng Đế, nhưng Giáo Hoàng Jonh Paul II trở lại tư tưởng thời trung cổ, khi Inquisition phát triển mạnh. Ông Phật không phải là một ông Thượng Đế, thần hay thánh. Ông Phật chỉ là một vị Đại Sư. Nhưng người đời tôn sùng Ông, thờ hình tượng Ông, thờ hình tượng Phật Bà Quan Âm (người Nhật gọi là Canon, tên máy chụp hình).

 

29. Theo triết gia Mortimer J.Adler, chủ biên bộ đại tự điển bách khoa Encyclopedia Britannica, Giám đốc Institute for Philosophical Research ở Chicago, thì triết gia Tây Phương phạm nhiều lầm lỗi triết học từ nhiều thế kỷ nay, trong đó có sự lẫn lộn giữa conception và perception. Ý niệm Thượng Đế là một perception chứ không phải là một conception, vì thế KTG cứ nghĩ rằng Thượng Đế là một sự thật hiển nhiên. Tây Phương quan niệm Thượng Đế từ phía ngoài, Chân Như của Phật giáo nhìn từ nội tâm. Vì vậy gán “vô thần” cho Phật giáo là một quan niệm sai lầm lớn lao. Cái nhìn sai lạc về Phật giáo cứ tiếp diễn từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Điển hình nhất là nhận định của Giáo Hoàng Jonh Paul II mới đây. Luật sư Phổ như một người thợ mộc mắt toét dùng cây thước đã bị bẻ cong.

 

30. Vì thế, tạm thời ta hãy đứng ở vị trí của mình. Đừng vội coi cái đức tin của tôn giáo mình là một sự thật “beyond reasonable doubt”. Trang 43 của cuốn Crossing the Theshold of Hope, Giáo Hoàng John Paul II nói:

“Buddha is right when he does not see the possibility of human salvation, but he is wrong, for that reason, he denies that creation has any value for humanity.”

(Bản dịch của nhà xuất bản Thăng Tiến: “ Phật Thích Ca đúng khi không nhìn thấy khả năng cứu rỗi con người qua việc tạo dựng, nhưng lầm, vì lí do này, Đức Phật chối bỏ cả việc tạo dựng có bất cứ giá trị nào cho nhân loại).

Giáo Hoàng đúng khi nói Phật giáo phát triển mạnh tại Tây Phương, nhưng sai và sai lớn khi nói rằng Đức Phật sai.

 

31. Như đã nói ở trên “Giải thoát” chẳng có một liên hệ gì đến “cứu rỗi”. Đức Phật có nói về tội Tổ Tông đâu mà cứu rỗi. Phật giáo không quan niệm “Cha ăn mặn, con khát nước”, mà quan niệm “Quýt làm, Quýt chịu”, nghĩa là mỗi người chịu hứng lấy cái “nghiệp” (karma) của mình. Đức Phật Thích Ca có quan niệm Đấng Tạo Hóa hay Thiên Chúa (Creator) tạo dựng lên trời đất đâu. Việc chối bỏ hay chấp nhận phải được coi là “out of context”. Cái ý nghĩa Thượng Đế của KTG tức là cái “Chân Như” của Phật giáo vậy. Chân Như nằm trong nội tâm. Quả thật tôi không hiểu tại sao Giáo Hoàng John Paul II, sinh sau Đức Phật 2,500 năm, lại nói Đức Phật sai. Tượng Phật thấy trên khắp thế giới trên 2,500 năm nay, và Đạo Phật đang phát triển mạnh tại Tây Phương, vậy Đức Phật sai ở chổ nào? Tôi nghĩ một Giáo Hoàng không nên nói Đức Phật sai cũng như một hòa thượng không nên nói Chúa Giêsu Kitô là sai. Căn cơ của các vị đó không đủ để có lời phê bình như vậy.

 

32. Đường lối của Tòa Thánh: Người đứng đầu tòa thánh Vatican không ai khác hơn là Giáo Hoàng, một biểu tượng của thần quyền cao nhất. Bất cứ điều gì Giáo Hoàng nói, làm đều đúng. Tòa thánh không bao giờ sai, lúc nào cũng đúng trong cái sai. Tất cả những lời phát biểu của Giáo Hoàng về Phật giáo phải được coi là đúng. Vì thế cái chủ thuyết cứu rỗi “đầu gà đít vịt” của nhà tân thần học Phạm Văn Phổ mới ra đời. Luật sư Phổ thuyết giảng “giác ngộ” chỉ là giai đoạn đầu, sau đó còn phải đi xa hơn nữa để kết hợp với Thiên Chúa để được cứu rỗi.

Nhưng trên thực tế, sự thật lại khác. Chẳng hạn Giáo Hoàng Liberius (352-366), Giáo Hoàng Vigilius (537-555) đưa ra những giáo lý sai lầm. Các Giáo Hoàng thời Phục Hưng (1470-1530) là động lực thúc đẩy Martin Luther ra thành lập giáo phái mới. Galileo chỉ được phục hồi danh dự sau 400 năm; Jeanne d’Arc, một cô gái quê người Pháp, nghe tiếng gọi của Thiên sứ Michael, vùng lên giải phóng cho Pháp. Cô bị cột vào cây gỗ, chất củi xung quanh và đốt cho chết cháy lúc mới 19 tuổi. Mãi tới 140 năm sau bản án mới được hủy bỏ, danh dự được phục hồi, nhưng cô đã chết trước đó hơn 1 thế kỷ. Năm 1920, cô được Vatican phong làm nữ thánh St Jeanne d’Arc (30 tháng 5). Có phải Tòa Thánh sai không? Và rất nhiều thí dụ khác nữa. Phạm vi bài báo không cho phép nói hết.

 

33. Muốn có một cái nhìn rõ ràng hơn, ta nên đọc The March of Folly: From Troy to Vietnam của nữ sử gia Barbara W. Tuchman (Hai lần được giải thưởng Pulitzer, tác giả Distant Mirror, Guns of August, Bible and Sword…); 5 cuốn sách của Malachi Martin: The Vatican, The Final Conclave, Hostage to the Devil, The Jesuits, The Keyes of this Blood (Malachi Martin là mợt thần học gia Tòa Thánh La Mã, linh mục dòng Jesuit, giáo sư tại Vatican’s Pontifical Biblical Institute, ông rất gần với Hồng Y Augustin Bea và Giáo Hoàng John XXIII); The Oxford Dictionary of Popes của J.N.D. Kelly; The Crusades của Henry Treece; In Spanish Prisons của Major Arthur Griffiths; Inquisition: Hammer of Heresy của Edward Burman; A Crisis of Conscience của Dr. Hugh K. Barber, MD (Bác sĩ Baber là giáo sư y khoa tại Đại học Cornell, tác giả trên 400 bài viết khoa học và trên 200 cuốn sách. Năm 1991, tờ báo New York Magazine bầu ông là một trong số “best doctors in New York”); A History of Philosophy (9 cuốn) của Federi Copleston, S.J; A History of Western Philosophy của Bertrand Russel; đại tác phẩm The Story of Civilization (11 cuốn của sử gia Will Durant); The History of the English speaking peoples của Winston Churchill; A Study of History (12 cuốn) của Arnold Toynbee (đại sử gia của Hoàng Anh Quốc); History of the World (2 cuốn) của 25 tác giả, do Bonanza xuất bản, Dictionary of Wars của George C. Kohn để biết Chiến Tranh 30 năm, vài chục chiến tranh tôn giáo; và đừng quên đọc thêm New Catholic Encyclopedia của The Catholic University Press of America, Wasghinton D.C..

Tôi xin trích dẫn phần kết luận về đề tài Inquisition, trang 541, cuốn 12 (trong số 18 cuốn của New Catholic Encyclopendia) của bộ sách nói trên như sau: “Judged by contemporary standards, the INQUISITION, especially as it developed in Spain toward the close of the Midle Age, can be classified only as one of the darker chapters in the history of the Church”. Xin tạm dịch là: “Được phán xét theo tiêu chuẩn đương thời, INQUISITION – Tòa Án Tôn Giáo (có người dùng tòa án dị giáo) đặc biệt khi nó phát triển tại Tây Ban Nha vào gần cuối thời Trung Cổ, chỉ có thể xếp là một trong những trang sử đen tối lắm trong lịch sử của Giáo Hội”.

 

34. Lời phát biểu của Giáo Hoàng John Paul II: “Everyone who looks for salvation, not only the Christians, must stop before the Cross of Christ” (Trang 73) (xin tạm dịch là: Tất cả mọi người đi tìm sự cứu rỗi, không phải chỉ có người theo Kitô Giáo, phải ngừng trước Thánh Giá của Đấng Kitô). Có lẽ vì câu tuyên bố này mà Luật sư Phổ đưa ra cái thần thuyết “đầu gà đít vịt”. Lại nữa, trang 85, Giáo Hoàng nói: “Nevertherless, it needs to be said right away that the doctrines of salvation in Buddhism and Chritianity are opposed” (Xin tạm dịch là: Dầu sao đi nữa, cần phải nói ngay là chủ thuyết cứu rỗi của Phật giáo và Kitô giáo đối chọi nhau). Cái tội Tổ Tông từ Adam và Eve nó truyền nhiễm từ đời này sang đời khác, xâm nhập linh hồn của con người, nên con người phải ngừng trước thánh giá để được cứu rỗi (?).

 

35. Tôi không có ý kiến gì về doctrine of the father’s sins của KTG. Lãnh vực này thuộc về Đức tin, tin là có tội do ông cha ta kể lại, tin là Chúa sẽ tha tội. Mà đã là Đức tin, ta không thể bàn cãi. Văn nhân thi sĩ tin là trên Nguyệt Hằng có Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa. Thi sĩ cứ làm thơ, văn nhân cứ sáng tác, độc giả vẫn cứ thích thú đọc và phi hành gia cứ đổ bộ xuống mặt trăng. Người ta tin ngày 23 tháng Chạp Ông Táo lên chầu Trời tâu lại Ngọc Hoàng những chuyện hỉ nộ ái ố trên thế gian. Người ta vẫn tin có thần tài phù hộ, các cửa tiệm có thờ ông Thần Tài ngay ngoài cửa, miệng ngậm điếu thuốc lá, tay cầm đồng đô la. Người ta tin hóa vàng để người dưới âm phủ có tiền trả tiền “biu” dưới âm phủ. Mở đài truyền hình ra coi thấy hai võ sĩ Mễ, trước khi thi đấu đều làm dấu rồi nhắm mắt cầu nguyện. Một lúc sau một võ sĩ chảy máu mồm máu mũi ngả lăn đùng xuống sàn. Ta cũng thấy hình ảnh tương tự trong các trận đấu Boxing, hai võ sĩ Thái Lan múa may, làm bùa làm phép gì đó, khoảng phút một ông ngã lăn cu chiêng xuống đất. Họ tin có Đấng thần linh phù hộ. Nhưng nếu nhà thơ hay văn nhân quả quyết trên mặt trăng có thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa thì phi hành đoàn của Phi thuyền Apollo sẽ bước tới và nói: “Hey man, wait a minute. We’ve just come back from there”. Đã là đức tin, không thể bàn cãi. Tuy nhiên không thể cho đức tin của mình là sự thật và bắt người khác tin theo.

Phật giáo quan niệm trong mỗi chúng sinh khi ra đời đều có sẵn Phật tính, đã có tội gì đâu mà cứu. Nếu cá nhân nào mang cái nghiệp xấu là do chính con người đó tạo ra. Cha tạo nghiệp xấu, cha chịu. Con tạo nghiệp tốt con hưởng, tức là “quýt làm, quýt chịu” và không có vấn đề “quýt làm cam chịu”. Sự việc “nghiệp” và “quả” của người cha và người con khác nhau, hoàn toàn không can dự vào nhau. Vì Phật giáo không quan niệm có tội tổ tông, nên không có vấn đề cứu rỗi. Mà đã không có cứu rỗi thì lấy gì để so sánh. Thuyết giải thoát khác hẳn với thuyết cứu rỗi. Đã khác nhau thì không thể so sánh. Vì thế tôi gọi thần thuyết cứu rỗi hay cứu chuộc gì đó của Luật sư Phổ là thần thuyết “đầu gà, đít vịt”, tức là trước sau chẳng ăn nhằm gì với nhau cả.

 

36. Có điều tôi không tin những phát biểu về Phật giáo là do chính Giáo Hoàng nói mà do Hồng Y Joseph Ratzinger. Đây là lập luận của tôi, có thể Luật sư không đồng ý: vào năm 1139, Công Đồng Lateran II đòi hỏi Tòa thánh truy tố những kẻ theo tà đạo (heresy), mà hình phạt là rút phép thông công, trục xuất ra khỏi giáo hội và bị nguyền rủa. Giáo Hoàng Alexander III bổ túc thêm ra lệnh cầm tù và tịch biên tài sản (1162-1163). Tiếp theo đó là các thông điệp Ad abolendam (1184), Vergentes in senium (1199), Excommunicamus (1231), Ille humani generis (1231), Ad exstirpanda (1252), v.v… Tòa án tôn giáo, Inquisition, phát triển mạnh tại Tây Ban Nha, và nhiều nước khác. Hình phạt: cả thể xác (tra tấn, cầm tù, tử hình) lẫn tinh thần (nguyền rủa). Tòa thánh tránh xử tử hình gây máu chảy, thay thế vào lối xử tử hình này bằng cách châm lửa đốt nơi công cộng sau khi đọc tố trạng sermo generalis. Điển hình nhất là cô gái gốc quê, 19 tuổi người Pháp, theo tiếng gọi của Thiên Sứ Michael, dấy binh trừ giặc bị thiêu sống tại thành Rouen. Đó là Jeanne d’Arc, trở thành St Jeanne d’Arc.

 

37. Người đi vào lịch sử với chức vụ inquisitor general (tổng phán quan tòa án tôn giáo, giống như chánh thẩm) không ai khác hơn là Tomas de Torquemada (1420-1498), một linh mục thuộc dòng tu Dominican. Spanish Inquisition thành lập năm 1478 và được bãi bỏ năm 1834. Ông đóng vai chủ động trong việc trục xuất người Do Thái ra khỏi Tây Ban Nha năm 1492. Để đương đầu với sự ra đời của Giáo Phái Tin Lành, Inquisition được trao cho Holy Office năm 1542. Công đồng Vatican II đổi tên thành Congregation for the Doctrines of Faith (1965). Những trang sử đen tối của Tòa thánh được khép lại sau nhiều thế kỷ làm điên đảo thế giới.

Năm 1985, Giáo Hoàng John Paul II bổ nhiệm Hồng Y Joseph Ratzinger đứng đầu Congregation for the Doctrines of Faith, và Latin American Bishops’ Conference (viết tắt là CELAM) có cùng địa chỉ và văn phòng. Chủ thuyết của Congregation for the Doctrines of Faith đưa ra làm các giám mục khắp nơi lẫn lộn. Các vị này không biết nhiệm vụ rõ ràng và biên cương của sự truyền giảng Phúc Âm. Giáo Hoàng John XXIII cho tổ chức Công Đồng Vatican II để lắng nghe tiếng nói từ nhiều phía ngõ hầu xây dựng một giáo hội tốt lành hơn, hiệp nhất hơn. Sau 30 năm chưa một bước tiến khả quan nào được ghi nhận. Tới đây ta có thể hiểu cái “state of mind” của Tòa thánh.

Tiếng nói của những người có tinh thần xây dựng đã biến họ đứng vào chiến tuyến đối nghịch với Tòa thánh, điển hình như các nhà thần học Hans Kung, Charles Curran, Edward Schillebeeckx, Jacques Pohier, William Callahan (dòng Jesuit), cha Terry Sweeny, Tổng giám mục Raymond Hunthausen, sister Teresa Kane… Tờ US News & World Report phát hành ngày 17 tháng 11, 1986 chạy một bài với đề tựa “The Pope Cracks Down on American Bishops”. Thần học gia Hans Kung, bị trục xuất ra khỏi chức vụ giảng dạy, kết hợp với một số thần học gia khác đưa ra một cuốn sách nhan đề là Church in Anguish – Has the Vatican Betrayed Vatican II? Để đàn áp sự chống đối, Giáo Hoàng John Paul II tuyên bố: “One cannot believe in Christ without believing in the Church, the body of Christ”. Xin tạm dịch là: “Một người không thể tin ở Đấng Kitô nếu không tin vào Hội Thánh, thân thể của Chúa Kitô”.

Nhưng Thần học Giải phóng (liberation theology) vẫn phát triển mạnh tại Nam Mỹ Châu. Vào năm 2000, 70% tín đồ KTG sẽ nằm ở Đệ Tam Thế Giới. Năm 1973, lần đầu tiên thần học giải phóng chính thức được Gustave Gutierrez nói tới. Nhóm nghiên cứu Thần Học và Hội Thánh được thành lập tại Peru, mà hai nhân vật tích cực là Leonardo Boff và Juan Segundo. Trong cuốn A Crisis of Conscience, trang 152, tác giả, Bác Sĩ Barber nói: “Liberation Theology is a worldwinde manifestation for human emancipation”. Xin tạm dịch là: “Thần học giải phóng là một sự thể hiện trên khắp thế giới cho sự thoát quyền của con người”. Thần học giải phóng không đặt trọng tâm vào thần học mà là giải phóng, bắt nguồn từ tư tưởng của những người viết sách Exodus trong Cựu Ước.

Vào thế kỷ 15, một linh mục dòng Dominican là Bartolomé de Las Casas (1474-1566) đứng lên chống lại bọn conquistadors đi tìm vàng để giải phóng cho người Da Đỏ. Thừa hưởng tinh thần Inquisition thời Trung Cổ, Hồng Y Joseph Ratzinger, đứng đầu Congregation for the Doctrines of Faith, đã đóng góp rất nhiều vào cuốn sách Crossing the Threshold of Hope, một loại “bút vấn – bút đáp” giữa Giáo Hoàng và ký giả Messori. Hồng Y Ratzinger không nghe được tiếng nói của Giám Mục Hoa Kỳ, Nam Mỹ Châu, các nhà thần học của Hội Thánh, thì làm sao hiểu nổi được Phật giáo là gì. Nếu nói Giáo Hoàng “phỉ báng” hay nói sai về Phật giáo có lẽ không chính xác. Chúng ta phải hỏi lại Hồng Y Joseph Ratzinger thì rõ hơn.

 

38. Làm sao sống hòa đồng trong cộng đồng thế giới? Chỉ còn vài năm nữa chúng ta bước sang một thế kỷ mới. Thế giới phải có một “consensus”, trong đó có sự tương nhượng (compromise), tương kính (mutual respect) và nhất là tôn giáo đa nguyên (religious pluralism). Trên thị trường sách trong vài tuần lễ vừa qua, có xuất hiện một cuốn sách đề tựa là The Jew In The Lotus của Roger Kamenetz. Tác giả là một thi sĩ và giáo sư Anh ngữ tại Louisiana State University. Đề tựa cuốn sách dựa vào The Jewel In the Lotus (Một viên ngọc quý trong bông sen). Trong cuốn sách ông đưa ra những cảm nghĩ của người Do Thái trải qua biết bao thế kỷ lưu đày mà vẫn giữ được đạo để san xẻ với Phật giáo Tây Tạng sau mấy chục năm bị đàn áp bởi Trung Cộng. Cuốn sách tường thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Lạt Ma và 8 vị Rabbi người Do Thái. Họ thấy giữa Do Thái Giáo và Phật giáo Tây Tạng cùng chung những trớ trêu của lịch sử, họ thấy gần gũi nhau hơn. Hai bên đều “giác ngộ” (enlightened) trước hoàn cảnh lịch sử đau thương phủ lên tôn giáo họ.

Kitô Giáo và Phật giáo Việt Nam cũng có chung một định mạng lịch sử trong mấy chục năm chiến tranh. Biết bao nhiêu nhà thờ bị đỗ nát, tượng Phật bị bắn thủng mắt, biết bao nhiêu tín đồ hai tôn giáo quằn quại trong trại cải tạo, biết bao nữ tín đồ phải chịu ô nhục ngoài biển cả trên con đường tranh đấu đòi tự do, tôn giáo là thành trì và vũ khí cuối cùng. Thành trì bị chọc thủng, vũ khí bị rỉ sét, quân sĩ chia rẽ, liệu chúng ta có thể tạo được chiến thắng sau cùng hay không? Hẳn là không. Đạo của ai người nấy giữ. Đức tin của ai người nấy theo. Một Giáo Hoàng, một Hòa Thượng hay bất cứ người nào trong chúng ta chưa đủ căn cơ để phê phán các Đấng Giáo Chủ và Tín Lý của các Ngài đã tồn tại mấy ngàn năm nay.

 

39. Nhà bác học Albert Einstein nói: “The religions of all civilized peoples, especially the peoples of the Orient, are primarily moral religions. The development from a religion of fear to moral religion is a great step on peoples’ lives.” (xin tạm dịch là: Những tôn giáo của những dân tộc văn minh, đặc biệt là những dân tộc của Đông Phương, chính yếu là những tôn giáo dạy luân lý. Sự phát triển từ tôn giáo lấy căn bản là sự sợ hãi sang tôn giáo dạy luân lý là một bước tiến vĩ đại trong đời sống của các dân tộc). Ông nói tiếp: “There is nothing divine about morality; it is purely human affair”. (Xin tạm dịch là: Chẳng có gì là thiêng liêng trong vấn đề luân lý cả; đó chỉ là công việc của con người). Ông lại nói tiếp: “Science without religion is lame, religion without science is blind” (Xin tạm dịch là: Khoa học không có tôn giáo là khoa học què quặt, tôn giáo không có khoa học là tôn giáo mù quáng). (Trích trong Ideas and Opinions, Dell Publishing, Inc. 1954). Tôn giáo mà nhà bác học Albert Einstein nói ở đây là thứ tôn giáo dạy luân lý (moral religion), chứ không phải tôn giáo lấy sự sợ hãi (religion of fear) của tín đồ làm phương tiện. Chỉ có “moral religion” mới là thứ tôn giáo đích thực của thế kỷ 21, mà thế giới mong đợi.

Con người hiện đại quá chán ghét những gì gò bó, khuôn mẫu lỗi thời. Con người cần được giải phóng toàn diện trong phạm vi đạo đức. Thần quyền hình như không còn hợp với nếp sống tâm linh của con người nữa. Trí óc con người đã phát triển, mọi điều thiếu hợp lý, thiếu hợp tình, thiếu công bằng, bóp chẹt sự phát triển con người toàn diện sẽ không còn chỗ đứng. Vì thế tôi rất thích Thần học Giải phóng (liberation theology) của các vị linh mục Nam Mỹ Châu, đang thịnh hành trong Đệ Tam Thế Giới, chiến 70% số tín đồ của Giáo Hội La Mã vào năm 2000.

 

 

PHẦN IV

Vài hàng góp ý với Luật Sư Phổ, người viết mong có một sự đả thông tư tưởng. Vì phạm vi bài viết không cho phép nói nhiều hơn. Chúng ta đều ngập lụt trong cõi “u minh”, nên có thể có những hậu quả không tốt. Tôi hân hạnh trích lời của Hòa Thượng Thích Mật Thể trong Thế Giới Quan Phật giáo, trang 15: “Muốn tìm hiểu chân lý, trước hết ta phải thành thật với ta, và chớ coi mình là trung tâm điểm của vũ trụ hay lấy mình làm thước đo người chẳng hạn. Phải coi bản ngã của ta, nó có thể biến hóa rất nhiều cách, hòng phỉnh phờ ta vào con đường sai lạc. Ta không nên chiều theo nó quá, phải ngược dòng lại, dẹp hết lòng ích kỷ nhỏ hẹp, tính tự kiêu mê lầm, cùng phê phán lý thuyết này với chủ nghĩa nọ, và mở rộng lòng ta để đón lấy cái có ích cho nhân loại trên mục đích xây dựng hạnh phúc chân chính thiện mỹ”.

Ra tòa hàng ngày, chắc Luật Sư thường nghe “… to tell the truth, the only truth, the whole truth, nothing but the truth, so help me God”. Truth will prevail. Khi đặt bút viết bài này, tôi luôn nghĩ có rất nhiều vị linh mục Kitô giáo uyên bác kinh điển Phật giáo, cũng có những vị cao tăng thấu hiểu thánh kinh và thần học. Tôi ví kiến thức và đức độ các ngài như ngọn núi Hy Mã Lạp Sơn, kiến thức của tôi về hai tôn giáo chỉ là một cọng cỏ bên khe suối. Những gì tôi viết ra dựa vào những tài liệu có sẵn, nếu độc giả đòi hỏi, tôi xin dẫn chứng.

Vừa viết tới đây, tôi nghe tiếng chuông đổ từ ngôi nhà thờ của người Châu Mỹ La Tinh cách đó một dặm vọng qua cửa sổ. Vừa đọc xong 2 cuốn Apology của Plato và Zenephon, tôi phải viết bài này nên tôi tạm ngưng đọc The Clouds của Aristophane, bây giờ trở lại đọc tiếp.

 

Kính chào Luật Sư Phạm Văn Phổ.

Hoàng Hà Thanh

Los Angeles, California.

 

 

 

 

 


 

ĐẠO NÀO XUẤT THẾ TIÊU CỰC ?
ĐẠO NÀO NHẬP THẾ TÍCH CỰC ?

 

Nguyễn Hoài Vân

 

CHA TAO, CHA MÀY

Tôi rất ngán thái độ chia rẽ con người với con người bằng cách dán cho tôn giáo này nhãn hiệu này, tôn giáo khác nhãn hiệu khác, rồi phong cho cái này là tốt, là đúng, chê bai cái kia là thấp kém, là lầm lạc. Thái độ ấy cũng vô lý và đáng thương như câu chuyện mấy đứa trẻ mồ côi đập nhau chí tử, để tranh cãi rằng: “Cha tao giàu hơn cha mày, mạnh hơn cha mày, v.v…”, mà không biết rằng chúng đều là anh em ruột cùng chung cha mẹ!

Thông thường, người ta hay bảo Ky Tô Giáo, Khổng Giáo, là “tích cực, nhập thế”, còn Phật giáo, Lão Giáo là “tiêu cực, xuất thế”. Để dẹp bớt cái luận điệu tào lao này, tôi sẽ nêu lên một số tính chất tiêu cực và xuất thế trong tư tưởng Ky Tô Giáo, rồi nhìn qua vài khía cạnh tích cực, nhập thế của Phật giáo. Tôi cũng có thể viết một bài tương tự với Khổng và Lão Giáo, nhưng đó không phải là chủ đề của bài viết này.

 

VÀI MẶT TIÊU CỰC TRONG TƯ TƯỞNG KITÔ GIÁO

Xin chọn vài thí dụ, lấy từ thần học của Thánh Augustin (354-430), được coi như một cột trụ của Giáo Lý Ky Tô Giáo. Vị thánh này là người đã “sáng chế” ra “tội Tổ Tông” hay “tội nguyên thủy” (péché originel), để chống lại quan điểm “nhân chi sơ, tính bổn thiện” của Thầy Tu Pélage (mất năm 418). Trong khi Pélage cho rằng con người có tự do, và có thể tích cực chọn lựa giữa làm việc thiện hay làm việc ác, thì Augustin quả quyết con người chỉ có thể làm việc ác, và chỉ khi nào được hưởng nhờ Hồng Ân Thiên Chúa con người mới biết làm việc thiện, để hy vọng được cứu rỗi. Quan điểm này hoàn toàn tiêu cực, nhất là khi Augustin nhấn mạnh là Thiên Chúa chỉ ban phát Hồng Ân của Ngài cho một số người được chọn lọc (praedestinati), theo những tiêu chuẩn riêng của Ngài mà không ai có thể hiểu nổi. Tuy nói vậy, nhưng Augustin cũng vẫn “bật mí” cho chúng ta biết một tiêu chuẩn trọng yếu: đó là số người được hưởng nhờ ơn Chúa, và được giải thoát, phải bằng với con số Thiên Thần bị giáng chức và bị tống cổ ra khỏi Thiên Đàng. Những người còn lại, thuộc về tập thể bị loại trừ (massa perditionis), sẽ bị thiêu đốt đời đời trong Hỏa Ngục. Ý kiến “tiền định” tương tự cũng có thể được nhận thấy trong Thánh Thư của Thánh Phao Lô (gửi tín hữu La Mã 8:28-30).

Như vậy, bạn đọc thân mến, tôi rất hân hạnh được báo cho bạn biết, nếu bạn chưa biết, rằng trên nguyên tắc, bạn là một tên tội lỗi, hèn hạ, xấu xa, dơ dáy, ác ôn, độc địa. Một tên… phản động, phản cách mạng! Tương lai tốt đẹp nhất mà bạn có thể mơ ước là sự thiêu đốt đời đời trong Hỏa Ngục giữa một bầy ác quỷ vô cùng kinh tởm. Tuy nhiên, giả sử trong muôn một, có một anh Thiên Thần ấm ớ nào đó bị đuổi khỏi Thiên Quốc, và bạn lọt được lên trên ấy để thế vào chỗ của anh ta, thì đó là do Ơn Chúa, được ban phát cho bạn, chứ chẳng phải vì bạn xứng đáng chi cả. Vả lại, bạn cũng chẳng thể làm được điều gì xứng đáng, vì bản thân của bạn là xấu xa, tội lỗi. Nói cách khác, bạn hoàn toàn bó tay và chỉ có thể trông nhờ nơi Ơn Chúa. Mà Ơn Chúa có ban phát hay không ban phát cho ai thì lại đã được định đoạt từ ngàn đời trước rồi! Tôi gọi đó là một tư tưởng tiêu cực, bạn nghĩ sao?

Nếu từ lập luận này mà tôi bảo Ky Tô Giáo là tiêu cực, thì nhiều người sẽ trích dẫn một triệu lẻ một kinh điển ra để minh chứng ngược lại, rằng Ky Tô giáo rất tích cực, và họ có lý. Điều này cho thấy không thể từ một số suy tưởng cục bộ mà dán một nhãn hiệu lên cho một tôn giáo!

 

VÀI KHÍA CẠNH TÍCH CỰC TRONG TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO

Phật giáo coi bản tánh của mọi chúng sanh đều là Phật. Chỉ cần bỏ những mù quáng, mê chấp, thì nhận ngay ra mình là Phật. Không ai bị bỏ rơi, không có “massa perditionnisi” vì mọi người đều là Phật, bỏ sao được? Đó là một điểm tích cực quan trọng. Mặt khác, cũng không cần sự cứu rỗi từ bên ngoài vì Phật ở sẵn trong mình rồi, chứ nào có ở đâu trên mây trên gió mà phải nhào tới cứu độ mình? Tức là mỗi người cần tích cực đi tìm giải thoát, với sự soi sáng tự nhiên của Phật Tính nơi mình, để thay đổi cách nhìn của mình về sự vật, về mình, và để tìm thấy chính mình.

Trên con đường tu tập, Phật giáo dạy phải thực nghiệm, chẳng nên tin vào giáo điều lý thuyết chi cả. Tức là phải tích cực tìm hiểu, chứ không thụ động tin theo ông thần này hay ông thánh nọ, để rồi mù quáng tiêu cực loại bỏ những gì không nằm trong “giáo lý” của mình.

Đối với vấn đề thiện ác, Phật giáo có một nhãn quan đặc biệt tích cực. Khi sự ác được chấp nhận như hậu quả của lẽ nhân duyên, thì không còn có thái độ tiêu cực loại bỏ. Kẻ sát nhân, người nham hiểm, chẳng qua cũng chỉ là nạn nhân của nghiệp báo chập chùng, nhân duyên trùng điệp, chứ trong bản tánh họ vẫn là Phật kia mà! Biết đâu chính vì những hành động tàn ác kia mà họ ý thức, giác ngộ và trở thành bậc Chánh Giác? Với tinh thần ấy, người ta thông cảm, tìm hiểu những nhân duyên của một hành động tàn ác, và tìm cách nâng đỡ, chứ không loại trừ cá nhân làm việc ác ấy. Nếu có phê phán, thì người ta phê phán hành động chứ không phê phán con người. Điều này rất tích cực, vì nó không bao giờ loại bỏ khả năng hướng thiện dù trong bất cứ tình huống nào.

Nói: Anh “là” xấu xa, như trong ngôn ngữ Tây phương thông thường (you are bad), rất khác với: “anh đã làm một việc xấu xa”. Câu nói thứ hai có ý nghĩa tích cực quan trọng. Tương tự như vậy, trong trị liệu, tôi thường cố gắng nói với bệnh nhân: “Vous avez une dépression” (anh hay chị đang mắc chứng suy nhược thần kinh), thay vì: “Vous êtes déprimé” (anh chị “là” suy nhược thần kinh). Với câu nói ấy, tôi cố gieo một chủng tử tích cực, hướng tâm lý người bệnh về một hướng tích cực, thuận lợi cho sự lành bệnh.

Những quan điểm vừa nêu có phải là đặc thù của Phật giáo hay không? Hoàn toàn không. Chẳng hạn dưới một hình thức khác, những quan điểm ấy đều hiện hữu trong tư tưởng Ky Tô giáo. Thật vậy, tôi có thể tìm thấy tất cả những gì tôi vừa nói về Phật giáo trong Thánh Kinh. Vậy, đạo nào tích cực? Đạo nào tiêu cực?

 

TƯ TƯỞNG XUẤT THẾ TRONG KITÔ GIÁO

Chúng ta có thể dựa vào một số lời nói của chính Đức Ky Tô để nhận ra một khuynh hướng xuất thế rất đậm nét trong Kitô giáo.

– Trong Phúc Âm thánh Gioan (15:19), Đức Ky Tô nói rất rõ với các môn đệ, tức là với tất cả những Ky Tô hữu: “Các con không thuộc về thế gian, thầy đã đặt các con ra ngoài thế gian”. Và khi toàn quyền La Mã Pilatô tra vấn Ngài, Ngài cũng tuyên bố: “Vương quốc của Ta không thuộc về thế gian” (Gio-An.18:36).

– Thật ra, Đức Ky Tô không những chủ trương đứng ngoài thế gian, mà Ngài còn coi thế gian là nguồn của sự dữ, là vương quốc của Ác quỷ, là sự chống phá lại công trình của Ngài. Ngài nói: “Thế gian thù ghét Ta vì Ta chứng minh được rằng những công trình của thế gian đều xấu xa” (Gio-an 7:7). Một lúc khác, trong lời cầu nguyện với Thiên Chúa, Ngài nói: “Con đã truyền cho họ (các môn đệ) lời nói của Cha và thế gian đã thù ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, như chính con cũng không thuộc về thế gian.” (Gioan 17:14). Rõ rệt hơn nhất, trong Gioan 12:31, Ngài gọi Ác quỷ là “Vua của thế gian” và trong Gioan 12:30, Ngài phán: “Từ nay, Ta không còn nói chuyện với anh em được nữa, vì Vua của thế gian này đã đến”.

 

Bây giờ tôi xin bạn chú ý đến một câu chuyện được kể lại trong tất cả các bộ Phúc Âm trừ Phúc Âm Gioan. Đó là chuyện Ác quỷ cám dỗ Đức Kitô: Trước khi Đức Kitô thu nhận môn đệ và bắt đầu giảng dạy, Ngài đã vào sa mạc tĩnh tâm một thời gian. Lúc ấy, Ác quỷ đến cám dỗ Ngài. Có ba sự cám dỗ, sau khi Đức Kitô đã vượt qua hai sự cám dỗ đầu tiên, thì Ác quỷ đưa Ngài lên một đỉnh núi cao và chỉ cho Ngài thấy tất cả thế gian với những vương quốc giàu mạnh, vinh quang, những lâu đài lộng lẫy, những thú vui vô số và bảo Ngài phải khuất phục nó, thì thế gian sẽ thuộc về Ngài. Đương nhiên là Đức Ky Tô lại khước từ thêm một lần nữa, với câu nói bất hủ: “Vade retro, Satanas” (Satăng, hãy cút đi!). Đức Thích Ca cũng đã từng bị Quỷ Vương cám dỗ một cách tương tự.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy Ác quỷ Satăng chính là Vua của thế gian, và Đức Ky Tô với quyền năng của Ngài, cũng có thể ngự trị trên thế gian, y hệt như Ác quỷ. Mặc dầu vậy, Đức Kitô đã chọn khước từ thế gian, thậm chí sau này còn chấp nhận cho thế gian giết chết mình…

Thật ra quan điểm xuất thế đã hiện hữu trong tư tưởng Do Thái, đặc biệt từ khi dân tộc này bị lưu đày vào năm 538 tới 587 trước Công Nguyên. Khi ấy trong nổi buồn tha hương, vong quốc, đất nước hoàn toàn bị phá hủy, người Do Thái chỉ còn biết ngước mắt kỳ vọng nơi một quê hương trên trời. Quê hương thật, đất nước thật của họ, từ đó, chính là Nước Trời, chứ không còn là một mảnh đất nào trên cõi thế nữa. Thánh Phao Lô, trong Thánh Thư gửi người Do Thái (11:14), cũng đã nhắc lại niềm tin này.

 

Một tư tưởng khác rất phổ thông trong Ky Tô giáo, là sự xác quyết sẽ có một ngày tận thế. Tất cả những gì con người xây dựng được nơi thế gian đều sẽ bị hủy diệt. Đức Ky Tô, trong các đoạn Phúc Âm Mát-Thêô 24, Mác-cô 13 và Lu-ca 21 đã nói về vấn đề này. Tức là sẽ không có một thế gian tốt đẹp, viên mãn, trường cửu như con người thường ước mong. Lịch sử sẽ không phải là giòng sông đưa nhân loại đến bờ hạnh phúc, hay con đường xa lộ dẫn cái xã hội mà ta đang sống đến với Thiên Chúa như Hegel từng quan niệm. Nước Chúa sẽ không phải là sự nối dài của cái xã hội mà ta đang sống, đang chăm lo bồi đắp. “Tất cả đều sẽ bị hủy diệt” đó là lời Chúa!

Nhiều người sẽ nói: đó là chuyện xa vời, ngay bây giờ, vẫn phải chăm lo cho gia đình, cho xã hội, cố sức xây dựng bình an hạnh phúc, v.v.. Đó là những ý tưởng rất chính đáng của đại đa số con người. Nhưng Đức Ky Tô nghĩ sao?

Về gia đình, Ngài bảo với các môn đệ, với tất cả chúng ta, rằng phải bỏ hết tất cả những ràng buộc gia đình, để theo Ngài: “Nếu kẻ nào đến với ta mà không từ bỏ cha mẹ mình, vợ con mình, và cả chính đời sống của mình, thì người ấy không thể là môn đệ của ta” (Lu-ca 14-26). Khi có môn đệ xin được về nhà từ giã gia đình trước khi lên đường theo Ngài, Đức Kitô từ chối ngay tức khắc và nạt rằng: “Kẻ nào đã bắt tay vào cày ruộng (tức là đã theo Ta) mà còn nhìn về phía sau, thì kẻ ấy không xứng đáng vào Nước Chúa!” (Lu-ca 9-26). Một môn đệ khác xin về chôn cất cha mình vừa mới qua đời, ngài cũng từ chối rằng: “Cứ để người chết chôn người chết, phần anh hãy đi rao giảng nước Trời” (Lu-ca 9:59-60). Phải nói là Chính Đức Ky Tô cũng đã hoàn toàn từ bỏ gia đình mình. Trong Phúc Âm, không khi nào thấy Ngài gọi mẹ Ngài là “mẹ”, mà chỉ nói “Bà kia”. Và một ngày nọ khi  đang ở giữa đám đông, thì có người đến báo tin cho Ngài biết rằng: “ Mẹ anh và các em anh đang tìm anh ngoài kia”. Đức Ky Ttô rảo mắt nhìn quanh cử tọa, rồi nói: “Đây là mẹ ta, đây là anh em ta, tất cả những ai hành động theo thánh ý Chúa, đều là mẹ và anh em ta”. (Mác-cô 3:32-35).

Còn đối với xã hội? Đức Ky Tô nói rất rõ: “Đừng lầm tưởng rằng ta đến để mang lại hòa bình trên trần thế, ta không đến để đem lại bình an, mà chính là để đem lại gươm đao, cho người con trai nổi lên chống lại cha mình, người con gái chống lại mẹ mình, người con dâu chống lại mẹ chồng, người trong một gia đình đối nghịch lại với nhau” (Mát-Thêô 10:34-35). Trong Phúc Âm Lu-ca, Ngài cũng nói một câu tương tự (Lu-ca 12:51-53). Việc “đem lại gươm đao” cũng được nhắc đến ở đọan Phúc Âm Lu-ca 22-36, khi Đức Ky Tô nói với các môn đệ: “Ai chưa có võ khí thì hãy bán áo choàng của mình đi mà mua lấy một thanh gươm”.

Đương nhiên là thái độ này của Đức Ky Tô không mấy gì là “politically correct”, và nhiều người “thông minh” hơn Ngài đã phải lập tức giải thích rằng: Ngài nói vậy nhưng phải hiểu khác, phải hiểu rằng, thì, mà, là… ngược lại! Cũng như khi Ngài dạy phải bỏ hết tiền bạc, tài sản, hay cho rằng “Người có của vào nước Trời còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim”. Những lời nói ấy làm rộn sự “bình an” hưởng thụ của nhiều người. Họ không thể nào chấp nhận chúng được. Vì thế, họ phải dạy khôn Đức Ky Tô, bảo Ngài phải hiểu những lời Ngài nói một cách khác, hợp với những nếp suy tư trưởng giả và những ham muốn thường tình của họ hơn. Đừng quên, người đương thời đã đem Chúa Kitô ra đóng đinh trên thập giá, thậm chí ngay chính những kẻ trong gia đình Ngài cũng đã muốn bắt giữ Ngài, vì họ cho rằng: “Nó đã mất trí!” (Mác-cô 13:21)

 

PHẬT GIÁO VÀ KHÁI NIỆM NHẬP THẾ

Phật giáo không phân biệt thế gian với “ngoài thế gian”. Tất cả đều là Tâm (vạn Pháp quy Tâm). Vậy thì chỉ có Tâm. Nếu chỉ có Tâm mà thôi, thì xuất thế phải ra ngoài Tâm. Khi ấy, thử hỏi cái gì sẽ ra ngoài Tâm? Có phải cũng là tâm hay không? Tâm làm sao phải ra ngoài Tâm được? Vậy, Phật giáo không xuất thế!

Một cách nói khác: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, vậy thì Phật ở đầy trong thế gian này, nhìn đâu cũng thấy Phật, Phật làm sao mà xuất thế được? Đây cũng là một cách giải thích nghệ thuật của Phật giáo, đặc biệt là của Thiền Tông, với những bài thơ hay những bức họa đầy tình thân ái, mô tả những cảnh vật nhiều khi rất nhỏ nhoi, những con người nhiều khi rất bé mọn, những động tác nhiều khi rất tầm thường, diễn đạt niềm cảm thông sâu sắc với tất cả những gì chung quanh. Nhất định là các nghệ sĩ và Thiền sĩ ấy không khước từ thế gian, không coi thế gian là hiện thân của sự Ác… sự Ác có chăng thì chỉ là kết quả của vô minh, chứ dưới tấm màn vô minh ấy, vẫn luôn tiềm tàng Phật tính. Có khác với tư tưởng của Đức Ky Tô hay không? Tôi nghĩ là không khác, mặc dù những gì tôi vừa viết ở đoạn trên còn cần được trình bày rõ ràng hơn. Xin hẹn bạn dịp khác.

Một loại lập luận khác có thể được nêu lên là: hạnh nguyện Bồ Tát, từ chối sự giải thoát cho riêng mình khi còn bất cứ chúng sinh nào chưa được giải thoát, chính là một tư tưởng nhập thế triệt để. Phật giáo Mật Tông cũng tin ở Phương Đông có một vị Phật tên là Aksobhya (A Súc Bệ), tượng trưng cho sự nhập thế, cứu độ, đi từ vô biên vào thế giới hữu hạn để thực hiện sự cứu độ và đi từ hữu hạn đến vô biên để thực hiện sự giải thoát…

 

DANH HIỆU CỦA QUỶ VƯƠNG

Trong truyền thống Do Thái, Ky Tô và Hồi Giáo, người ta gọi Ác Quỷ là Satăng. Bạn có biết chữ ấy có nghĩa gì không? Trong tiếng Do Thái cổ, chữ ấy được dùng để chỉ người có trách nhiệm lên án trong một phiên tòa, như một loại Công Tố Viên ngày nay vậy. Nói rộng ra, tất cả những kẻ lên án người khác, đều có thể được gọi là Satăng! Và khi chúng ta lên án bất cứ ai, thì đó chính là tiếng nói của Quỷ Vương trong chúng ta. Vì thế, Đức Kitô mới nói: “Đừng lên án, để khỏi bị lên án”. Và nhất là đừng lên án cả một tập thể, cả một cộng đồng, thậm chí cả một phần nhân loại, vì tín ngưỡng của họ. Bạn có thể nghĩ được rằng tất cả những người không cùng tôn giáo với bạn, trong đó có bạn bè của bạn, thậm chí ông bà tổ tiên của bạn đều đáng bị liệng xuống địa ngục nào đó hay không? Phải chăng họ đều là những ác quỷ, hay những “chuẩn ác quỷ”? Dù cho bạn có thuộc về tôn giáo nào đi chăng nữa, thì bạn cũng vẫn là thiểu số trong toàn nhân loại. Vì thế lên án những người khác tôn giáo với mình, chính là tự đặt mình vào một địa ngục ngay từ bây giờ với vô số “ác quỷ” nhan nhản chung quanh mình!

Thật ra, có những sự lên án gay gắt, nhưng cũng có những chê bai lịch sự, tuy không kém phần trịch thượng, kiểu như: Đạo ấy chưa hiểu tới, hay chưa đạt đến trình độ này, trình độ khác. Tôi  nói thái độ này cũng vẫn là một sự lên án, vì ta không thể biết nó sẽ trở thành gay gắt lúc nào, và vì nó có thể gợi lên những phản ứng gay gắt nơi những anh em bị mình chỉ trích. Thái độ ấy cũng vẫn là thái độ của Satăng, của Ác Quỷ.

Hơn lúc nào hết, cần đi tìm những điều giống nhau trong các tôn giáo, các giòng tư tưởng hơn là đào sâu những khác biệt. Riêng trong sự tìm hiểu những điều cốt lõi của Ky Tô giáo và Phật giáo, thì tôi có thể xác quyết với bạn rằng: Quả thực, tôi không hề thấy điều chi mâu thuẫn giữa hai tôn giáo này.

 


 

PHẬT GIÁO CÓ PHỦ ĐỊNH CUỘC SỐNG
VÀ THẾ GIỚI HAY KHÔNG?

Minh Chi

 

Đọc bài Giáo Hoàng Jean Paul II trả lời câu hỏi: “Phải chăng Phật giáo sẽ thay thế cho Kitô giáo?”, tôi bất giác nhớ tới cuốn Les Grands Penseurs De L’Inde (Những tư tưởng gia lớn của Ấn Độ) của Albert Schweitzer viết và xuất bản từ năm 1936, tức là cách đây gần 60 năm.

Ngay trong chương I của cuốn sách, Albert Schweitzer đã so sánh hai lối tư duy của phương Tây, “khẳng định cuộc sống và thế giới” (affirmation de la vie et du monde), và lối tư duy của Ấn Độ “phủ định cuộc sống và thế giới” (négation de la vie et du monde) (Trang 11 cuốn sách đã dẫn).

Ngay sau khi cuốn sách của Albert Schweitzer ra đời, nó đã bị nhiều nhà bác học có tên tuổi phê phán. Sự phê phán này không lẽ các nhà thần học của Vatican lại không biết. Tôi muốn giới thiệu một trong những phê phán sớm nhất mà cũng là triệt để nhất: tức là các bài giảng đầu tiên của Tiến sĩ S.Radhakrishnan tại bộ môn “Tôn giáo và đạo đức phương Đông” (Eastern Religions and Ethics) ở trường Đại học Anh Oxford trong các năm 1936-1938, cũng là năm xuất bản cuốn sách Tôn Giáo Phương Đông Và Tư Tưởng Phương Tây (Eastern Religion and Western thought) do Oxford University Press xuất bản. Tôi tin là thư viện của Vatican có quyển sách này, và các nhà thần học ở Vatican có thể tham khảo những lời phê phán của Giáo sư S. Radhakrishnan (ông này về sau làm Tổng Thống Ấn Độ), ở chương 3 của cuốn sách, đặc biệt là ở trang 76, trong đó S.Radhakrishnan lần lượt đề ra 8 điểm sai lầm của Albert Schweitzer và lần lượt phân tích từng điểm một. Tôi đề nghị các nhà thần học của Vatican hãy đọc kỹ trang đó và các trang tiếp theo cho tới hết trang 114, kết thúc chương : “Chủ nghĩa huyền bí và đạo đức trong tư tưởng Ấn Độ” (Mysticism and ethics in Indian thought).

Tôi tin rằng, nhận thức của Giáo Hoàng Jean Paul II có chính xác và cập nhật hay không đối với đạo Phật, phần lớn là tùy thuộc vào công phu thông tin khoa học khách quan và chính xác của quý vị các nhà thần học chủ chốt ở Vatican. Ở đây, vì khuôn khổ có hạn, tôi chỉ dừng lại một điểm, có thể là điểm trung tâm của sự phê phán của Giáo Hoàng đối với đạo Phật. Tức là điều mà Giáo Hoàng gọi là:

Một phương pháp giải thoát hầu như hoàn toàn tiêu cực, giải thoát có nghĩa là hoàn toàn cắt đứt với thế giới, nguồn gốc của tội ác… Niết Bàn, một thái độ bàng quan hoàn toàn đối với thế giới. (Xem cuốn Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng (bản Việt dịch) hay là trang 142 bản Pháp văn Entrez dans l’espérance).

 

Trướt hết, tôi muốn nhắc lại nhận xét từ ban đầu của tôi là những tư tưởng trên của Giáo Hoàng không có gì là mới mẽ, mà chỉ là sự nhắc lại rất đại khái nội dung cuốn sách đã dẫn của Albert Schweitzer.

Điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh, là nếu thế gian này thật sự tốt đẹp, xứng đáng để các tín hữu đạo Thiên Chúa gắn bó trọn đời kiếp với nó, thì các tín hữu đó cũng sẽ không cần được Chúa Kitô cứu rỗi, công việc cứu rỗi và cả vương quốc của Chúa cũng trở thành vô nghĩa. Thiên đàng cũng vô nghĩa và địa ngục cũng trở thành vô nghĩa.

Do đó có thể nói, khoảng 5 thế kỷ sau Phật Thích Ca, Chúa Giêsu cũng không nói điều gì mới lạ, bất quá sự khác nhau giữa Kitô giáo và Phật giáo là ở chỗ, đối với Kitô giáo, con người chỉ có thể giải thoát khỏi tội ác, nhờ điều thiện đến từ Thượng Đế (Giáo Hoàng viết là: “à travers le bien qui vient de Dieu” (trang 142 bản Pháp văn đã dẫn), còn đối với đạo Phật thì con người chỉ có tự mình giải thoát khỏi tội ác bằng một nổ lực đạo đức lớn lao, khiến cho mình trở thành hoàn thiện, từ bỏ ba độc tham, thân, si. Tôi muốn nhấn mạnh là vấn đề không phải là từ bỏ thế giới hay từ bỏ cuộc sống như Giáo Hoàng nói, mà là từ bỏ ba độc tham, sân, si.

Vì vậy mà có sách Phật định nghĩa Niết Bàn là từ bỏ tham, thân, si (định nghĩa Niết Bàn của Huyền Trang, vị cao tăng nổi tiếng đời nhà Đường). Phật giáo không bao giờ định nghĩa Niết Bàn như là một thái độ bàng quan hoàn toàn đối với thế gian như Giáo Hoàng nói trong cuốn sách của Ngài (Le Nirvana, c’est à dire une indifference totale envenrs le monde) (trang 142 bản Pháp văn đã dẫn). Niết Bàn là từ bỏ tham, thân, si, là nổ lực tối đa để con người trở thành hoàn thiện, trở thành bậc Thánh ngay tại thế gian này, chứ không phải ở một thế giới nào khác, tại một tương lai xa xôi nào khác. Phật giáo luôn luôn khẳng định: Niết Bàn là ở đây và trong hiện tại.

 

Tất nhiên, trong Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam hay Nhật Bản có một tông phái đặc biệt, gọi là Tông Tịnh Độ đặt vấn đề tu pháp môn niệm danh Phật A Di Đà, tức là cõi Cực lạc ở phương Tây. Trong Phật giáo vùng Đông Á, thật sự có một tông phái như vậy, thậm chí đó là một tông phái rất phát triển và có rất nhiều tín đồ. Chứng cớ là ở Việt Nam các tăng ni Phật tử thường chào nhau bằng câu “Nam mô A Di Đà Phật” hay gọn hơn “A Di Đà Phật”.

Vấn đề này nên hiểu như thế nào cho phải? Vua Trần Nhân Tôn đời Trần sau khi xuất gia, trở thành vị Tổ sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm. Trong bài phú “Cư trần lạc đạo”, Trần Nhân Tôn đã giải thích “Bí mật của Tông Tịnh Độ” bằng hai câu khá rõ nghĩa:

Tĩnh Độ là lòng trong sạch chớ còn ngờ hỏi tới Tây phương,

Di Đà là tính lặng soi mụa phải nhọc tìm về Cực lạc.

(“Cư Trần lạc đạo phú”. Bản dịch của Hoàng Xuân Hãn. Tập san Khoa học xã hội số 5, trang 27, Hội khoa học xã hội Việt Nam tại Pháp xuất bản).

Tôi thấy không có gì mâu thuẫn giữa sự hoàn thiện mình và nỗ lực đạo đức, sao lại phê phán nỗ lực đạo đức của Phật giáo là tiêu cực? Thế thì hoàn thiện mình bằng cách cầu xin Thượng Đế cứu rỗi là tích cực hay sao?

 

Vâng! Đạo Phật xác nhận thế gian này là có nhiều tội ác, bắt nguồn từ ba độc tham, sân, si. Nhưng đạo Phật không dừng ở nhận định này. Đạo Phật còn  tiến thêm một bước thứ hai nữa là phân tích thế gian này vì sao lại có nhiều tội ác, bắt nguồn từ tham, sân, si? Đó là vì con người si mê (sách Phật gọi là vô minh), không nhìn thấy sự vật đúng như nó tồn tại là vô thường, biến đổi trong từng giây phút một, mà sở dĩ mọi sự vật đều như thế, là vì chúng vô ngã. Vô ngã không có nghĩa là không có gì hết mà chỉ là không tồn tại độc lập, không phải tồn tại tự nó, phụ thuộc vào nhiều điều kiện mà sách Phật gọi chung là nhân duyên.

Mọi sự vật và hiện tượng trong thế gian này đều là vô thường, vô ngã. Đó là một thực tế mà bất cứ người nào, miễn có đầu óc tỉnh táo và có con mắt biết nhận xét, đều phải công nhận. Chúng ta cần đến những sự vật đó và sử dụng chúng, thế nhưng chúng ta quyết không tham đắm chúng, và tuyệt đối càng không vì chúng mà phạm tội ác, tạo nghiệp ác để cho trong đời này và đời sau phải chịu khổ. Do đó, đạo Phật tiến thêm một bước nữa vạch ra cho mọi người một con đường thoát lìa tội ác. Đó là con đường Bát Chánh Đạo mà hầu như sách Phật nào cũng nói tới. Sách Anh ngữ thường gọi là: “The Eightfold Path”, dịch sát nghĩa là “Con đường Đạo tám nhánh”, và nếu dịch theo chữ Hán là “Bát chánh đạo” dịch sát nghĩa là “Tám con đường Đạo”.

Nội dung của Tám con đường Đạo không có gì là huyền bí, mà ở trong tầm thực hiện của tất cả mọi người, không kể là tăng hay tục, nam hay nữ, thậm chí cũng không kể mình là theo Đạo Phật hay theo các đạo giáo khác.

Nội dung của tám con đường đạo chỉ là:

1.                  Sống đạo đức.

2.                  Thân tâm được an tịnh.

3.                  Trí tuệ chiếu sáng.

Nhờ sống đạo đức cho nên thân tâm được an tịnh (định tâm), nhờ thân tâm an tịnh cho nên trí tuệ bừng sáng và con người được giác ngộ và giải thoát.

Ở đây, nếu có một điều bí mật và khó hiểu là điều này: trí tuệ đó không phải do Trời Phật nào ban cho chúng ta, mà chúng ta vốn có như vậy, nhưng vì ngu si cho nên chúng ta không tự biết đó mà thôi. Cũng như nhà triệu phú có kho vàng trong nhà mà không biết, cứ đi ăn xin hết nhà này sang nhà khác. Nói chung ta giác ngộ là giác ngộ về cái trí tuệ vốn có sẵn trong mỗi chúng ta. Đức Phật không đem cho chúng ta cái trí tuệ đó. Đức Phật chỉ làm mỗi việc là chỉ cho chúng ta thấy cái trí tuệ đó là ở trong chúng ta, cho nên phải hướng nội mà tìm, không thể cầu ở bên ngoài mà được. Cũng vua Trần Nhân Tôn trong bài phú “Cư trần lạc đạo” đã dẫn chứng, viết bốn câu đầy ý nghĩa:

“Bụt ở trong nhà,

Chẳng phải tìm xa,

Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt,

Chỉn mới hay chính Bụt là ta.” (1)

 

Vâng, chính Bụt là ta, là chúng ta. Thật tôi chưa thấy một tôn giáo nào đề cao giá trị của nhân sinh, của con người đến như vậy. Bài của tôi trả lời Giáo Hoàng nên kết thúc bằng bốn câu phú tuyệt vời đó.

 

GHI CHÚ:

(1) khuấy bổn = quên mất gốc.

                chỉnh mới hay = chính mới hay

 

PHỤ ĐÍNH:

Albert Schweitzer tác giả cuốn Les grands penseurs de l’Inde là tiến sĩ triết học, tiến sĩ y khoa và tiến sĩ thần học. S.Radhakrishnan trong cuốn sách của ông Eastern Religions And Western Thought đã tóm tắt nội dung phê phán của Schweitzer đối với triết học Ấn Độ (bao gồm cả triết học Phật giáo) thành 8 luận điểm mà Radhakrishnan lần lượt giới thiệu cụ thể và phản bác trong suốt chương “Mysticism and Ethics in Hindu thought” (Chủ nghĩa huyền bí và đạo đức trong tư tưởng Ấn Độ). Sau đây, tôi chỉ giới thiệu 8 luận điểm của Schweitzer:

1. Trong tư  tưởng Ấn Độ, có xu hướng cường điệu niềm vui siêu thế (ecstasy). Xu hướng này tất nhiên dẫn tới phủ định cuộc sống và thế giới này.

2. Tư tưởng Ấn Độ chủ yếu hướng tới một thế giới khác với thế giới cõi người này. Đó là điều không thể cùng tồn tại với một nền đạo đức nhân bản, nền đạo đức của con người, vì con người.

3. Chủ thuyết Ấn Độ về Maya (ảo ảnh), tuyên bố cuộc sống chỉ là ảo ảnh, tất nhiên có hàm ý phủ định thế giới này và cuộc sống này.

4. Đối với người Ấn Độ, nguồn gốc của thế giới này chỉ là một trò chơi của Thượng Đế (a game played by God).

5. Con đường giải thoát là jnana hay là tự mình tìm hiểu mình. Đó không phải là con đường phát triển đạo đức, do đó tôn giáo Ấn Độ không phải là tôn giáo đạo đức.

6. Mục tiêu của mọi cố gắng của con người là giải thoát, chứ không phải là hòa hợp (ý Schweitzer nói hòa hợp với Thượng Đế). Đó là sự giải thoát tâm linh khỏi những ràng buộc hữu hạn, chứ không phải là sự biến đổi của cái hữu hạn thành một bộ phận hay một biểu hiện của cái vô biên. Tôn giáo chỉ là nơi né tránh cuộc sống và các vấn đề của cuộc sống. Con người không có chút hy vọng gì về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

7. Con người lý tưởng của tôn giáo Ấn Độ siêu việt lên trên cái thiện và cái ác, tức là lên trên mọi phân biệt đạo đức.

8. Tư tưởng Ấn Độ nhấn mạnh một nền đạo đức hoàn thiện nội tâm, điều này mâu thuẫn với một nền đạo đức năng động và tình thương rộng mở đối với người sống bên cạnh mình.

(Giới thiệu tóm tắt từ trang 76 của cuốn sách Tôn Giáo Phương Đông và Tư Tưởng Phương Tây của S. Radhakrishnan).

Thật ra, tư tưởng của Schweitzer trong bài tựa của cuốn sách đã tỏ ra uyển chuyển hơn nhiều so với trong nội dung của cuốn sách của ông, và đặc biệt là không cứng nhắc một chiều như bài phát biểu của Giáo Hoàng Jean Paul II.

Schweitzer viết trong bài tựa:

Tôi luôn luôn có một cảm tình đặc biệt đối với nền đạo đức Ấn Độ, bởi vì nó không chỉ quan tâm tới mối liên hệ giữa con người và đồng loại và với xã hội mà cả tới thái độ của con người đối với tất cả mọi loài”.

Kỳ lạ thay, một nền đạo đức rộng mở và bao la như vậy sao gọi là tiêu cực được. Đó là một nền đạo đức bao gồm trong tình thương rộng lớn của nó (sách Phật gọi tình thương đó là lòng từ và lòng bi), tất cả mọi loài, tất cả thiên nhiên chứ không phải riêng đối với loài người. Đạo Phật phản đối khái niệm về vị trí trung tâm của loài người trong vũ trụ, bởi lẽ một thái độ như vậy bật đèn xanh cho sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên không hạn chế, và giết hại mọi loài vật và súc vật khác một cách không thương tiếc.

Vì vậy, có thể khẳng định, nền đạo đức Phật giáo là đỉnh cao nhất của cái mà các triết gia hiện tại gọi là nền đạo đức môi trường (Environmental Ethics). Một nền đạo đức tuy không đặt mục tiêu cứu kính là con người hòa hợp với Chúa, nhưng vẫn là nền đạo đức tích cực nhất và hơn nữa hiện đại nhất. Peter Singer, trong cuốn “The Expanding Circle”(Vòng tròn mở rộng, Oxford Clarendon Press, 1981) viết:

“Phong trào sinh thái (ecology movement) đã nhấn mạnh là chúng ta không phải là loài vật độc nhất trên hành tinh này, và chúng ta không được đánh giá mọi vật theo quan điểm vật ấy có ích lợi đối với loài người hay không…”

Đó là về mặt đạo đức của vấn đề. Tôi nghĩ rằng trong chủ đề đạo đức, Schweitzer có một lối tư duy uyển chuyển hơn quan điểm một chiều của Giáo Hoàng, vốn cho rằng sự hoàn thiện bản thân “là không đủ để hòa hợp với Chúa” (La purification ne suffit pas à produire l’union à Dieu…” (Xem “Entrez dans l’Espérence” trang 143 – bản Pháp văn).

Ngay khi nói về thái độ phủ định và tiêu cực đối với thế giới về cuộc sống, Schweitzer cũng tỏ ra uyển chuyển hơn khi ông khẳng định trong bài tựa cuốn sách là:

“Theo các triết gia (phương Tây, bắt đầu từ Schopenhauer…) thì tư duy Ấn Độ hoàn toàn bị ngự trị bởi tư tưởng phủ định thế giới. Thế nhưng, tôi lại nhận thấy rằng, trong tất cả mọi thời điểm, tư duy đó cũng bao hàm cả những yếu tố khẳng định. Và sự cùng tồn tại của cả hai yếu tố khẳng định và phủ định thế giới tạo ra nét độc đáo của lối tư duy đó và quyết định sự diễn biến của nó”.

Or, j’ai constaté que de tout temps, elle a renfermé aussi des élémens d’affirmation. Cette coexistence de l’affirmation et de la négation du monde constitue précisément son originalité et determine son évolution. Xem cuốn Les grands penseurs de l’Inde – Albert Schweitzer – Preface – Page 9.

Đọc đoạn văn trên của Albert Schweitzer, chúng ta suy nghĩ như thế nào về nhận định của Giáo Hoàng Jean Paul II, khi Giáo Hoàng nhận định là Phật giáo cung cấp một phương pháp giải thoát hầu như hoàn toàn tiêu cực?

                                                                                                 MINH CHI

Source: http://www.giaodiemonline.com/baiup/DTGH(3).htm

 
1 bình luận

Posted by trên Tháng Sáu 8, 2011 in Uncategorized

 

Nhãn: , ,

1 responses to “ĐỐI THOẠI VỚI GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAO-LỒ II

Bình luận về bài viết này